Khu Công nghệ cao Hà Nam: Điểm nhấn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương

Việc Khu Công nghệ cao (CNC) Hà Nam được bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được xem là cơ hội giúp Hà Nam tận dụng lợi thế, tạo lập môi trường lý tưởng thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về lĩnh vực CNC; khai thác, tận dụng các nguồn lực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Nam có hệ thống giao thông đa dạng với đường bộ (gồm quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ mang tính liên kết vùng cao), đường sắt Bắc – Nam và hệ thống giao thông đường sông. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phát triển các dịch vụ công nghiệp – đô thị, khu công nghiệp CNC, công nghiệp hỗ trợ, logistics và thương mại. Khu CNC tỉnh Hà Nam với quy mô 663,19ha dự kiến đặt tại huyện Lý Nhân, địa điểm thuận lợi về giao thông, khả năng liên kết với hệ thống cơ sở nghiên cứu – đào tạo trình độ cao của Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong đó có Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam.

Theo dự kiến, Khu CNC Hà Nam được chia làm 02 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn trước mắt tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và Ban điều hành Đề án phát triển Khu CNC; lập quy hoạch chi tiết Khu CNC tại huyện Lý Nhân; xây dựng phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các phân khu chức năng; từng bước vận hành hoạt động trong mô hình Khu CNC đã hình thành.  

Về mô hình đầu tư, Khu CNC Hà Nam dự kiến được hình thành chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa: Giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng, nguồn kinh phí đầu tư ban đầu cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hà Nam được kêu gọi, thu hút từ vốn xã hội hóa của các nhà đầu tư tư nhân, ngân sách tỉnh có thể hỗ trợ theo khả năng cân đối, đảm bảo phù hợp với các nội dung hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Giai đoạn vận hành, chi phí gồm chi thường xuyên cho các hoạt động quản lý nhà nước đối với Khu CNC Hà Nam, chi cho các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư đối với Khu CNC Hà Nam, chi phí truyền thông, quảng bá, xúc tiến đầu tư, nghiên cứu thị trường và tìm kiếm đối tác đầu tư,… được xác định kết hợp giữa ngân sách địa phương và thu hút các nguồn vốn xã hội hóa. Việc định hướng xây dựng và phát triển Khu CNC Hà Nam theo mô hình này đỏi hỏi chính phủ cần có những cơ chế chính sách mang tính đặc thù, tạo hành lang pháp lý cụ thể để địa phương làm cơ sở thực hiện.

Khu CNC Hà Nam được hình thành với mục tiêu thúc đẩy một cách hiệu quả hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC; đào tạo nhân lực CNC; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC, cung ứng dịch vụ CNC, nhằm phát huy thế mạnh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư để đưa tỉnh Hà Nam trở thành trung tâm lớn về khoa học, công nghệ, dịch vụ, thương mại. Bên cạnh đó, việc hình thành và phát triển Khu CNC sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư ở cả trong nước và FDI đối với lĩnh vực CNC, tập hợp lực lượng trí thức trong tỉnh, trong vùng và quốc tế đến nghiên cứu, chuyển giao, phát triển CNC; từ đó giúp Hà Nam tăng khả năng tiếp nhận và làm chủ CNC, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và theo hướng hiện đại.

Khu Công nghệ cao Hà Nam: Điểm nhấn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương
Vị trí Khu Công nghệ cao tỉnh Hà Nam

Khu Công nghệ cao Hà Nam: Điểm nhấn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương

Để đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển của Khu CNC Hà Nam, song song với việc hoàn thiện các thủ tục đề án theo quy định, tỉnh Hà Nam đang tăng cường công tác xúc tiến thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế, hợp tác triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Những lĩnh vực, sản phẩm CNC được lựa chọn ưu tiên phát triển nằm trong danh mục lĩnh vực CNC và sản phẩm CNC được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 30/12/2020, trong giai đoạn 10 năm đầu tập trung thu hút gồm các lĩnh vực: Công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ điện tử – bán dẫn; công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.

Có thể thấy, tỉnh Hà Nam đã hội tụ đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng tâm thế để xây dựng và vận hành Khu CNC. Hiện nay, với sự quan tâm tạo điều kiện từ Trung ương, sự chung tay, giúp sức của cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam, Khu CNC Hà Nam sẽ sớm được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Nguồn: Vietnam Business Forum

Bài Viết Liên Quan

Back to top button