Không thể đổi mới sáng tạo bằng Luật lạc hậu
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất mở đường cho tư nhân đầu tư khu công nghệ cao, nhưng rào cản pháp lý hiện hành đang khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước…
Cần mở lối pháp lý cho tư nhân làm khoa học – công nghệ
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đưa ra một loạt đề xuất mạnh mẽ nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, mở đường cho khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái khoa học – công nghệ (KH&CN) quốc gia.
Theo ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội, tư nhân không xin đặc quyền, cũng không cần đặc lợi; điều mà doanh nghiệp mong muốn chỉ là một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và công bằng.

Trước hết, Hội kiến nghị cho phép tư nhân đầu tư và vận hành các khu công nghệ cao, thay vì chỉ giới hạn vai trò tổ chức và quản lý ở khu vực nhà nước như hiện nay. Đây là điểm nghẽn lớn, bởi Luật Công nghệ cao 2008 chưa có quy định cụ thể cho tư nhân tham gia với vai trò chủ thể chính, khiến tiềm lực xã hội bị lãng phí, còn các khu công nghệ cao công lập thì quá tải hoặc kém linh hoạt.
Thứ hai, Hội đề xuất đơn giản hóa thủ tục công nhận doanh nghiệp KH&CN. Theo quy định tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN phải chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu, đồng thời đảm bảo doanh thu từ hoạt động KH&CN đạt tối thiểu 30% tổng doanh thu trong 3 năm liên tiếp. Các tiêu chí này được cho là cứng nhắc, không phản ánh đúng thực tế vận hành của nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay, đặc biệt là các startup hoạt động theo mô hình công nghệ thuê ngoài, hợp tác liên ngành.
Bên cạnh đó, Hội Doanh nhân trẻ cũng đề xuất mở rộng quyền tiếp cận của doanh nghiệp tư nhân đối với các chương trình KH&CN cấp quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bản đồ gen… Cuối cùng, để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ – những lực lượng sáng tạo tiềm năng nhưng yếu thế về nguồn lực, Hội kiến nghị có thêm chính sách tư vấn pháp lý, hướng dẫn thực thi quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ quản trị KH&CN phù hợp.
Không thể bắt đầu từ những cánh cửa đóng kín
Bình luận về các đề xuất trên, Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng đây là những đề xuất cần thiết, hợp lý và hoàn toàn có cơ sở pháp lý để triển khai nếu nhìn từ tư duy cải cách.
“Hiện pháp luật KH&CN đang tồn tại tình trạng “hành chính hóa sáng tạo”. Thay vì đánh giá năng lực đổi mới qua sản phẩm, kết quả hay mô hình kinh doanh, hệ thống lại đặt trọng tâm vào sở hữu trí tuệ – vốn không phải là tiêu chí duy nhất phản ánh chất lượng công nghệ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không thể tiếp cận được chính sách ưu đãi, dù năng lực sáng tạo của họ là có thật”, luật sư Nhung phân tích.

Về đề xuất cho phép tư nhân đầu tư, vận hành khu công nghệ cao, bà Nhung cho biết pháp luật hiện hành chưa mở cơ chế này một cách rõ ràng. Luật Công nghệ cao và các nghị định liên quan đều quy định chức năng tổ chức, quản lý khu công nghệ cao là của Nhà nước. Muốn tư nhân tham gia với tư cách chủ thể đầu tư, cần phải sửa đổi pháp luật hoặc ban hành nghị định thí điểm theo mô hình sandbox – tức cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo khu vực địa phương hoặc ngành trọng điểm.
Đặc biệt, bà Nhung nhấn mạnh: “Muốn thu hút tư nhân tham gia đổi mới sáng tạo, không thể giữ mãi tư duy tiền kiểm và cấp phép cứng nhắc. Thay vào đó, nên chuyển dần sang hậu kiểm minh bạch, xây dựng cơ chế đăng ký mở và khuyến khích mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ”.
Cần xác lập quyền bình đẳng thực sự của tư nhân trong đổi mới công nghệ
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La nhấn mạnh rằng hệ thống pháp luật hiện nay vẫn thiên về cơ chế xin – cho, trong khi mục tiêu của đổi mới sáng tạo là phải tạo ra sự cạnh tranh tự thân và bình đẳng.
Theo ông Biên, vấn đề cốt lõi không nằm ở thời gian cấp giấy chứng nhận, mà ở chỗ “có cấp nhưng không dùng được”, bởi hệ thống ưu đãi rời rạc, thiếu tính thực thi, không đủ hấp dẫn để doanh nghiệp theo đuổi. Ông cũng cho rằng việc mở cho tư nhân đầu tư khu công nghệ cao hoàn toàn có thể thực hiện nếu Nhà nước chuyển vai trò từ “quản lý toàn diện” sang “kiến tạo pháp lý”, cho phép mô hình đa sở hữu, đa đối tác.
Luật sư Biên đề xuất sớm ban hành nghị định thí điểm về hợp tác công – tư trong nghiên cứu công nghệ, cho phép tư nhân chủ trì dự án KH&CN cấp bộ, cấp quốc gia, trên cơ sở đấu thầu minh bạch và hậu kiểm chặt chẽ.
“Pháp luật cần công nhận tư nhân không chỉ là người hỗ trợ, mà là chủ thể độc lập có năng lực, có quyền, có trách nhiệm – giống như mọi chủ thể khác trong nền kinh tế tri thức”, ông khẳng định.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia pháp lý, các nhà đầu tư công nghệ và doanh nghiệp sáng tạo đều chung nhận định: nếu pháp luật không nhanh chóng gỡ bỏ cơ chế “xin – cho” và những điều kiện hành chính hóa trong khoa học – công nghệ, thì khu vực tư nhân sẽ mãi chỉ là người ngoài cuộc. Đổi mới không thể nảy nở trong một hệ thống mà những người sáng tạo phải xin giấy phép để được công nhận là sáng tạo.
Không ít doanh nghiệp chia sẻ rằng, rào cản lớn nhất không phải là thiếu ưu đãi, mà là thiếu sự minh định về quyền – nghĩa vụ và vai trò bình đẳng. Trong một môi trường như vậy, tư nhân rất khó để chủ động đầu tư dài hạn cho nghiên cứu và phát triển.
Đã đến lúc phải xác lập một hành lang pháp lý mà tư nhân được bước vào với tư cách chủ thể, không phải chờ được “trao quyền”. Luật pháp không nên là cánh cổng chốt lại động lực thị trường, mà phải là nền móng mở ra không gian kiến tạo – nơi mọi người dám nghĩ, dám làm, và được pháp lý bảo vệ.
– Diễn đàn Doanh nghiệp