KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN KHU VỰC PHÍA NAM – XU HƯỚNG ĐẦU TƯ
Ngày 25/4 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam – Xu hướng đầu tư”. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện thị trường, xu hướng đầu tư kinh doanh, hướng đến phát triển các dự án trong năm 2024.
Năm 2023, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua áp lực kinh tế toàn cầu và các thách thức toàn cầu cũng như nội địa. Tình trạng lãi suất cao làm suy thoái nền kinh tế thế giới, mang lại những bất ổn cho các nhà đầu tư. Lạm phát gia tăng gây áp lực lên chi tiêu hộ gia đình; lĩnh vực sản xuất ghi nhận mức tồn kho cao, đơn đặt hàng sản xuất giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành tăng trưởng chủ chốt của Việt Nam. Cùng với đó, sự chậm trễ trong việc phê duyệt các dự án nhà ở làm trì hoãn việc triển khai đầu tư, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu sở hữu nhà ở vẫn mạnh mẽ nhờ quá trình đô thị hóa trên cả nước, nguồn dân số đông và nhu cầu cấp thiết về nhà ở ở các thành phố lớn.
Hiện tại, có ít dự án có quyền sở hữu hợp pháp rõ ràng và có đủ các phê duyệt cần thiết để phát triển, ít nhiều dẫn đến những khó khăn đối với việc các nhà đầu tư tham gia thị trường. Điều này cũng đã gây ra tình trạng khan hiếm về tín dụng, khi các ngân hàng gặp khó khăn trong việc có được tài sản thế chấp cần thiết để cho vay đối với các dự án BĐS. Những thay đổi trong tiến độ hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng làm tăng sự phức tạp trong việc xác định thời điểm tối ưu cho quá trình phát triển dự án BĐS.
Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá, trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, nền kinh tế Việt Nam quý I/2024 ghi nhận nhiều điểm sáng. Theo Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 – 2023. Các dữ liệu kinh tế cũng cho thấy triển vọng xuất khẩu, sản xuất đang hồi phục.
Đáng chú ý trong quý I/2024, ngành bất động sản chứng kiến tăng trưởng quý thứ hai ở mức 1,7% so với 2,1% trong quý IV/2023. Dù nền kinh tế theo dự báo vẫn còn những thách thức nhất định và thị trường bất động sản vẫn còn những áp lực lớn, tuy nhiên năm 2024, thị trường bất động sản vẫn được kỳ vọng có chuyển động tích cực với các động lực thúc đẩy từ chính sách, trong đó, 3 Luật sửa đổi quan trọng là Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, 3 bộ luật mới được Quốc hội thông qua (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở và Luật đất đai) có tác động lớn với với thị trường bất động sản. Trong đó, có một số nội dung liên quan đến khu vực đầu tư và kinh doanh bất động sản nhà ở xã hội với nhiều tín hiệu tích cực hơn với người dân. Với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ông Đính nhận định, khó có thể phục hồi trong ngắn hạn nhưng bù lại, có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt các sản phẩm condotel, căn hộ cao tầng gắn với du lịch thuộc các địa bàn truyền thống, trọng điểm.
Để tháo gỡ khó khăn nhằm khơi thông nguồn vốn phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới thì các doanh nghiệp cần phải nỗ lực để huy động vốn và việc đầu tư thông quỹ đầu tư có thể giúp khoản đầu tư của các cá nhân trở nên an toàn hơn, nhờ hưởng lợi từ tầm nhìn của những nhà quản lý chuyên nghiệp, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp để đón sự khởi sắc trở lại và bắt đầu một chu kỳ mới sẽ rõ nét hơn vào cuối năm 2024.
Theo ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản: “Bộ Xây dựng sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật đối với thị trường bất động sản, để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Bộ Xây dựng cũng sẽ tập trung rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trên cả nước…” .