Kho hàng margin giảm, định giá thị trường chứng khoán về mức tương đối
Việc VN-Index sụt giảm đáng kể 13,5% (so với mức đỉnh gần đây là 1.245,5 vào ngày 06/09) đã giúp đẩy định giá PE toàn thị trường về mức 13.01, chưa thực sự thấp so với mức lịch sử.
Những thông tin tiêu cực về các kho margin (cổ phiếu cho vay ký quỹ) đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán (TTCK) tuần qua. Theo thông tin chúng tôi ghi nhận, hiện tại lượng cung hàng từ các kho cho vay ký quỹ đã cạn đi rất nhiều do lo ngại và nhà đầu tư (NĐT) chủ động cắt lỗ.
Đánh giá chung
Định giá thị trường đã giảm mạnh sau một loạt những phiên giảm sau trong tuần qua, ở vùng định giá hiện tại, chúng tôi cho rằng thị trường đã phản ánh phần lớn những tiêu cực hiện hữu.
Về vĩ mô, các thông tin cần chú ý là xu hướng tỷ giá ngắn hạn đã tạm thời có những tín hiệu hạ nhiệt khi ở vùng đỉnh cũ, tuy nhiên áp lực chính từ việc chênh lệch chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn đó, nhà đầu tư vẫn cần thận trong việc quan sát tỷ giá ở thời điểm này.
Ngoài ra, diễn biến bất ổn ở Trung Đông và kế hoạch gia tăng Kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã hỗ trợ giá dầu tăng trở lại lên mốc 93$/thùng. Cùng với đó, Chủ tịch FED Powell ra tín hiệu sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo, tuy nhiên vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong tương lai.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm 4,99%, mức cao nhất kể từ 2007. Lợi suất trái phiếu tăng do nhà đầu tư kỳ vọng FED phải giữ lãi suất cao lâu hơn nhằm kiềm chế lạm phát, đồng thời khiến cho các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán kém hấp dẫn.
Về động lượng: Thị trường giảm điểm mạnh về mức định giá rẻ 13.x tiếp tục thu hút dòng tiền trung hạn, thể hiện qua tự doanh, tổ chức và khối ngoại liên tục mua ròng trong những phiên giảm điểm mạnh.
Các mốc hỗ trợ ngắn hạn hầu hết đã không còn. Tích cực phần lớn tập trung vào sự phân hóa rõ rệt giữa các cổ phiếu và hồi phục tương đối tốt vào phiên cuối tuần (20/10)
Chúng tôi dự báo khả năng TTCK sẽ có sự phục hồi sau chuỗi giảm liên tiếp. Về khuyến nghị giao dịch, FIDT cho rằng đây là cơ hội tốt để thực hiện cơ cấu cổ phiếu trong danh mục. Đối với vị thế nắm giữ nhiều tiền mặt, những nhịp cân bằng của thị trường là cơ hội rất tốt để giải ngân mua mới với những mã cổ phiếu đã chiết khấu sâu, với nhà đầu tư đang sử dụng margin thì có thể cơ cấu hạ dần về mức an toàn ở giai đoạn này.
Định giá thị trường: Về mức tương đối nhưng chưa thật thấp
Việc VN-Index sụt giảm đáng kể 13,5% (so với mức đỉnh gần đây là 1.245,5 vào ngày 06/09) đã giúp đẩy định giá PE toàn thị trường về mức 13.01. PE hiện vẫn ở mức ở mức tương đối, chưa thực sự thấp so với lịch sử (P/E thấp thường rơi về gần 12).Tuy nhiên, P/E thường bị ảnh hưởng bởi các quý đáy chu kỳ kinh doanh, nên trong trường hợp này cần tham khảo P/B để có cái nhìn chính xác nhất về thị trường.
Dựa trên P/B, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân, tích lũy cho các vị thế trung hạn (cuối nằm và đầu năm sau) vì P/B thị trường đã về -1 độ lệch chuẩn – mức tương đối hấp dẫn. Các ngành đáng chú ý khi vừa có (1) Định giá P/B thấp hơn trung bình quá khứ, (2) Câu chuyện, triển vọng rõ ràng gồm: Dầu khí, Bất động sản khu công nghiệp và Đầu tư công.
Lưu ý NĐT cần chú ý tỷ trọng tài khoản cũng như hạn chế sử dụng margin trong thời điểm này.
So sánh TTCK Việt Nam với các thị trường khác
Việt Nam hiện vẫn là một trong các thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực khi ROE ở mức cao nhưng lại có định giá P/B ở mức trung bình – hiệu quả vốn cao, đặc biệt vượt trội so với 2 thị trường Ấn Độ và Indonesia.
Tuy nhiên khả năng tiếp cận/tham gia thị trường cho NĐT nước ngoài còn nhiều hạn chế, chủ yếu xoay quanh câu chuyện Việt Nam cần thêm thời gian để triển khai hệ thống bù trừ, thanh toán CCP.
Chúng tôi kỳ vọng một khi giải quyết xong các vấn đề trên, Việt Nam sẽ gần như đạt đủ các tiêu chuẩn để nâng hạng của FTSE Russel (tổ chức này vốn đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi chờ nâng hạng thị trường EM thứ cấp từ 2018), tạo “bàn đạp” hướng đến mục tiêu nâng hạng MSCI trước năm 2025.