Khi nào dòng tiền quay trở lại chứng khoán?

VN-Index hiện đang cho hiệu suất 12%, cao hơn lãi suất tiết kiệm và thấp hơn kênh vàng. Đáng chú ý, dòng tiền vào thị trường vẫn yếu…

3 yếu tố thúc đẩy dòng tiền

Chia sẻ về cơ hội của chứng khoán so với các kênh đầu tư, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, “Theo đồ thị mà chúng tôi theo dõi, trong năm 2024, vàng có sóng tăng mạnh mẽ và là một trong những tài sản ưa thích đầu tư của người dân. Với mức tăng khoảng 28% từ đầu năm, vàng là kênh cạnh tranh lớn với đầu tư chứng khoán”.

Khi nào dòng tiền quay trở lại chứng khoán?
Năm 2024 ghi nhận vàng là kênh cạnh tranh lớn với đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên lưu ý đối với vàng miếng SJC tại Việt Nam, việc chưa liên thông với giá vàng quốc tế sẽ cho hiệu suất khác. Ảnh minh họa: I.T

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm bình quân đang ở mức 5% cho kỳ hạn 12 tháng. So sánh thì thấy hiệu suất của VN-Index (12%) đang cao hơn lãi suất tiết kiệm và thấp hơn kênh vàng. Đây là yếu tố khiến dòng tiền trong năm 2024 hơi lệch. Câu hỏi là khi nào dòng tiền quay trở lại chứng khoán?

Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index có mức tăng khoảng 12% nhưng có một vài nhịp điều chỉnh như tháng 4, tháng 8, hiệu suất 11 – 12% đã có lúc về chỉ còn 5%. Vì vậy, yếu tố mang tính biến động là một trong rào cản khiến nhà đầu tư chưa mạnh dạn giải ngân. VN-Index nhiều lần không vượt ngưỡng 1.300 phần nào làm thu hẹp dòng tiền.

“Tôi cho rằng có một số câu chuyện thúc đẩy dòng tiền vào TTCK thời gian tới. Đầu tiên câu chuyện tăng trưởng, mức tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm rất cao, dự báo cả năm 2024 có thể đạt mức 7%. Khi kinh tế phục hồi thì lợi nhuận doanh nghiệp chắn chắn phục hồi. Theo dự báo gần đây nhất của Bloomberg, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ ở mức khoảng 16% so với 2023, sang năm 2025 đạt 26%. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng là yếu tố thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường để tìm đến cơ hội đầu tư tốt”, ông Sơn nói.

Yếu tố thứ 2 là chính sách tiền tệ. Thời gian gần đây, Trung Quốc đang tung ra nhiều gói kích thích như cho các quỹ đầu tư vay mượn tiền từ ngân hàng để đầu tư cổ phiếu, hạ các loại lãi suất điều hành giảm chi phí vốn, bơm tiền cho hộ gia đình ở diện chính sách. Đây là 3 động thái lớn giúp thị trường cổ phiếu cũng như bất động sản bớt khó khăn hơn. Nhờ đó, trong khoảng 3 tuần, các chỉ số lớn của thị trường Trung Quốc đã tăng khoảng 30%, gần như những tầng lớn nhà đầu tư đã về hưu, nhà đầu tư còn là sinh viên ngay lập tức mở tài khoản, quay trở lại đầu tư.

Trung Quốc là ví dụ về tác động của chính sách tiền tệ. Đối với Việt Nam, dữ liệu cho thấy trong 10 năm trở lại đây, khi lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh hạ dần xuống thì TTCK có xu hướng đi lên về mặt dài hạn.

Dữ liệu cho thấy, từ giai đoạn hạ lãi suất 2011 – 2016, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm rất nhanh thúc đẩy dòng tiền chạy vào TTCK. Giai đoạn thứ 2, Covid – 2019 và năm 2020, lãi suất tái cấp vốn về đáy lịch sử, lợi suất trái phiếu Chính phủ về mức thấp và TTCK đi lên. Đến cuối 2022, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu ở mức cao kỷ lục và bắt đầu đi xuống, lợi nhuận trái phiếu Chính phủ 5 năm cũng tạo đỉnh và đi xuống thì TTCK tạo đáy và đi lên.

Tôi kỳ vọng trong giai đoạn tiếp theo đây, khi mà Fed và các ngân hàng trung ương tiếp tục hạ lãi suất thì mức chênh lệch giữa VND và USD thu hẹp, câu chuyện tỷ giá không gây quá nhiều áp lực. Qua đó, NHNN có dư địa cắt giảm lãi suất tái cấp vốn khoảng 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Khi mà có động thái này diễn ra, TTCK có nhịp phục hồi tốt giống nhịp phục hồi từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái, theo chuyên gia VPBankS.

Thứ ba, chư thường lệ, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng là yếu tố quan trọng được lưu ý. Theo cập nhật mới nhất, FTSE Russell, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Song Việt Nam cũng đã đạt được một số đánh giá tích cực, đặc biệt là Thông tư 68 của Bộ Tài chính ban hành ngày 19/8, gỡ bỏ ràng buộc ký quỹ đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Tức là, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần phải có sẵn tiền mặt và chỉ thực hiện thanh toán khi cổ phiếu về tài khoản.

Về FPT, VHM, MSN và các nhóm ngành

Chia sẻ tại chương trình “Khớp lệnh”, nhận xét về các mã cổ phiếu đang gây chú ý, chuyên gia cũng đưa ra các quan điểm cụ thể.

Khi nào dòng tiền quay trở lại chứng khoán?
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Với cổ phiếu FPT, trong chuỗi tăng giá vừa qua có thể thấy rất nhiều lần nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh. Đặc biệt là khi cổ phiếu này vượt qua mốc 100.000 đồng/cp, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rã nhưng dường như không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cổ phiếu này có dấu hiệu chững lại ở nền giá cao trong năm nay. Đa phần cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip trên toàn cầu tạm dừng đà tăng sau khi lập đỉnh 1 đến 2 tháng trước. Minh chứng là trong tuần qua, chỉ số S&P 500, Dow Jones lập đỉnh mới nhưng Nasdaq thì không.

Theo ông Sơn, diễn biến hiện tại của FPT, cho thấy đây là giai đoạn chốt lời đơn thuần, cơ cấu danh mục khi cổ phiếu đã lên cao nhất năm. “Đây là nền giá cao của FPT rồi và có thể là vùng cao nhất năm. Hiện tại, định giá P/E của FPT đã lên mức 28 lần, là mức cao. Trong trường hợp FPT điều chỉnh thì cơ hội mua cho những nhà đầu tư FOMO sẽ xuất hiện”, ông Trần Hoàng Sơn phân tích.

Với triển vọng cổ phiếu MSN nói riêng (tâm điểm thị trường tuần qua) và nhóm tiêu dùng bán lẻ nói chung, ông Trần Hoàng Sơn đánh giá: Nhìn lại trong lịch sử giao dịch, MSN có 2 pha giảm lớn. Đó là đỉnh 2018 cho đến đáy của 2020, sau đó cổ phiếu tăng tốt từ đầu 2021 đến cuối 2022 – đây là một pha mà thay đổi trạng thái rõ. Pha giảm thứ 2 từ giữa 2023 đến đầu 2024. Tính đến nay, sau khi tạo đáy quanh 60.000 đồng/cp thì cổ phiếu có vẻ thoát trend giảm và phục hồi tốt trở lại.

Trong pha tăng trưởng ở quá khứ, MSN đã tăng khoảng 227%. Thời điểm này, MSN đã thoát khỏi trend giảm từ 2022 kéo dài đến 2024 và đang trong quá trình tăng trở lại. Tôi kỳ vọng cổ phiếu quay trở lại đỉnh lịch sử năm 2022 trong 1 đến 2 năm tới. Còn ở hiện tại, MSN mới thoát khỏi mẫu hình tam giác thiết lập từ đầu 2024 trở lại đây, ngắn hạn mục tiêu ở vùng 90.000 đồng/cp, tương xứng với định giá năm nay.

Về mặt định giá, EV/EBITDA cho thấy giá trị thực của MSN đã rất rẻ trong 3 giai đoạn. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số EV/EBITDA của Masan cũng đang ở vùng khá thấp, tương đối hợp lý đầu tư cho trung dài hạn.

Xét về P/E đang ở mức trung bình trong 10 năm gần đây, là mức phù hợp để đầu tư cho câu chuyện kinh tế phục hồi và nhu cầu tiêu dùng trong trung, dài hạn. Năm 2024 là năm mang tính nền tảng cho phục hồi lợi nhuận với Masan. Trong những quý tới, tốc độ tăng lợi nhuận sẽ rất cao khi so sánh với nền thấp 2023, đến năm 2025 sẽ ổn định trở lại.

“Do vậy, tôi cho rằng Masan phù hợp để đầu tư cho trung hạn, còn trong ngắn hạn cân nhắc tìm điểm mua hợp lý khi thị trường rung lắc, quanh vùng hỗ trợ gần nhất 75.000 – 78.000 đồng/cp”, chuyên gia chia sẻ.

Với cổ phiếu bất động sản và liệu “ VHM gần như đang “gánh” thị trường?”, chuyên gia cho rằng, đồ thị của hầu hết cổ phiếu bất động sản đều có diễn biến yếu hơn so với thị trường. Trong thời gian vừa qua, một số nhóm cổ phiếu mạnh như ngân hàng, chứng khoán, cho đến phiên cuối tuần qua nhóm bất động sản, với đại diện VHM giao dịch tích cực.

“Nhìn chung, trong giai đoạn hiện tại, đa phần cổ phiếu bất động sản diễn biến yếu hơn thị trường chung. Ví dụ như DIG, DXG thì đồ thị thể thiện đuối và xu hướng đi xuống. Dòng tiền có vẻ đang bỏ rơi cổ phiếu bất động sản và chỉ tập trung vào một số nhóm dẫn sóng như ngân hàng, chứng khoán và một số trường hợp đơn lẻ tăng như MSN hay VJC. Hiện tại, thị trường vẫn đang phân hóa”, theo ông Trần Hoàng Sơn.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, ghi nhận cho thấy phản ứng về việc VHM mua lại cổ phiếu quỹ đã “khá xìu”, nói cách khác là không “đỡ” được tâm lý NĐT, trong khi đó NĐT dường như chú tâm đến các thông tin (có vẻ tiêu cực) như trường hợp KQKD dự kiến của PDR quý 3, hay tin tiêu cực chưa được xác thực về đơn về hoạt động cho vay của EIB… Tuy nhiên một số chuyên gia chứng khoán cho rằng đối với PDR, hay nhóm bất động sản, kì vọng các dự án đã hoàn thiệp cần phải được nhìn xa hơn. Nhìn chung quý 3 là quý thấp điểm bàn giao bất động sản nên hầu hết doanh nghiệp sẽ không “book” KQKD tốt trong quý này nhưng quý 4 sẽ hứa hẹn những con số khác hơn.

Đối với nhóm ngành tài chính, theo ông Sơn, giá một số cổ phiếu ngân hàng nhóm 2 và 3 đang hấp dẫn nên câu chuyện mua tích sản trong chu kỳ dài khá hợp lý. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, nhóm ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận rất tốt. Vì nếu ngân hàng không tăng trưởng được cho thấy nền kinh tế gặp vấn đề. Còn khi kinh tế phục hồi, ngành ngân hàng chiếm quá nửa tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.

Nhìn cho kinh tế năm 2025 sẽ tiếp tục là năm phục hồi nhờ nền lãi suất giảm xuống. Nhờ đó, ngân hàng có thể giảm bớt chi phí dự phòng thúc đẩy lợi nhuận.

“VPBankS đã xây dựng danh mục tích sản – Life Portfolio gồm 9 cổ phiếu. Trong đó, với cổ phiếu ngân hàng, chúng tôi lựa chọn là VPBank có tỷ trọng thứ 2 trong số các cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh Vietcombakn là ngân hàng có vốn nhà nước. VPBank là ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao nên khi kinh tế phục hồi thì sẽ phục hồi nhanh.

Định giá trong trung và dài hạn của VPB đang rẻ. Mặt khác, diễn biến dòng tiền cho thấy dòng tiền lớn chảy vào cổ phiếu VPB. Cụ thể, ở vùng 18.000 – 19.000 đồng đã có lượng tiền lớn chảy vào khi kỳ vọng VPB có bước tăng trưởng mới. Ngoài ra, Ngân hàng SMBC của Nhật Bản đã giải ngân đến 1,4 tỷ USD để mua 15% vốn VPBank cho thấy tầm nhìn dài hạn từ 5 hay 10 năm tới”, ông cho biết.

Trong một báo cáo cập nhật nhóm ngân hàng vừa phát hành, danh mục của SSI Research cũng nêu danh 7 mã cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, VPB được khuyến nghị mua và tâm điểm câu chuyện rót vốn SMBC, sự phục hồi ấn tượng của FeCredit đã được nhấn mạnh.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button