“Khắc chế” doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Hiện tại, câu chuyện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội đang có xu hướng lan rộng, cơ quan chức năng cần nghiêm túc xử lý để “khắc chế” các đơn vị này.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Thanh Trà – Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng vấn đề doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động cần được xử lý nghiêm để tránh ảnh hưởng tiêu cực.

“Khắc chế” doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Luật sư Thanh Trà – Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng.

Thưa luật sư, trong những năm qua rộ lên vấn đề doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho công nhân gây bức xúc, theo bà nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng này?

Vấn đề doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động là một tình trạng kéo dài, phổ biến và gây bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi công nhân. Trên phương diện pháp lý, tình trạng này có thể được lý giải theo một số nguyên nhân như với doanh nghiệp từ những khó khăn, áp lực về tài chính khiến các doanh nghiệp phải ưu tiên lựa chọn thực hiện ưu tiên các khoản phải chi cấp thiết trước như là tiền lương cho người lao động, chi phí duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh…

Khoản đóng BHXH có thể chưa phải khoản tiền phải “xử lý ngay” nên dẫn đến việc chậm trễ nhiều tháng liền. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp cố tình không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng BHXH, không quan tâm đến chế độ chính sách hợp pháp của người lao động.

“Khắc chế” doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (KCN Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nợ đóng BHXH 33 tháng khiến người lao động bức xúc, tập trung yêu cầu đối thoại vào ngày 8/4/2025.

Đối với người lao động, trong nhiều trường hợp, người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đóng BHXH đúng thời gian quy định hoặc chưa biết cách phải làm thế nào để bảo vệ chính mình khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH, mặt khác lại quan ngại khi thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài thời gian mà không quyết liệt trong việc đấu tranh vì quyền lợi của mình. Do đó, đến khi phát hiện vấn đề, số tiền chưa đóng BHXH đã chồng chất nhiều tháng liền và có khi, tình hình hoạt động của doanh nghiệp không đủ khả năng để đóng tiếp khoản BHXH nợ này.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay doanh nghiệp có thể chọn phương thức đóng BHXH hàng tháng, hàng quý hoặc 6 tháng một lần. Trường hợp nếu doanh nghiệp chậm đóng thì cơ quan BHXH sẽ thực hiện nhắc nhỡ, đồng thời cắt giảm các chế độ BHXH đối với người lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chế tài này chỉ để răn đe, chưa đủ mạnh để doanh nghiệp có ý thức xem việc thực hiện đóng BHXH đúng thời điểm và một trong những công việc tiên quyết mà doanh nghiệp phải chú trọng.

Vậy theo Luật sư, đâu là “kẽ hở” để doanh nghiệp liên tục nợ đóng BHXH trong thời gian dài, thậm chí là tái phạm nhiều lần?

Tại Điều 122 Luật BHXH 2014 có quy định: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Theo khoản 5, khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đống bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là 75.000.000 đồng (đối với cá nhân) và 150.000.000 đồng (đối với tổ chức). Đồng thời, doanh nghiệp có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Với quy định trên, cho dù doanh nghiệp có chậm đóng BHXH lên đến hàng tỷ đồng thì mức xử phạt hành chính cũng chỉ dừng lại ở mức 150.000.000 đồng. Pháp luật cũng chưa có cơ chế phát hiện, cảnh báo và xử lý ngay doanh nghiệp khi có hành vi vi phạm. Việc xử phạt chỉ được thực hiện theo việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan BHXH. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng chưa có các biện pháp cưỡng chế tài sản mạnh mẽ như phong toả tài sản, kê biên tài sản, đình chỉ hoạt động khi doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài.

Ngoài những kẽ hở trên, người lao động không thể phát hiện vấn đề và chưa đủ hiểu biết pháp luật liên quan để bảo vệ quyền lợi của bản thân kịp thời cũng là một trong những kẽ hở để doanh nghiệp càng chây ỳ trong việc đóng BHXH đúng hạn.

Thưa Luật sư, cơ quan BHXH có trách nhiệm và nghĩa vụ thế nào để “khắc chế” các doanh nghiệp nợ BHXH?

Theo quy định tại Luật BHXH 2014, Quyết định 595/QĐ-BHXH, cơ quan BHXH có trách nhiệm thu – chi BHXH, đồng thời, cũng là cơ quan theo dõi, nhắc nhỡ, đôn đốc, thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH đúng thời hạn quy định.

“Khắc chế” doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ BHXH sẽ tạo áp lực xã hội, từ đó góp phần làm thay đổi tinh thần thái độ của các doanh nghiệp.

Phòng tổ chức thu và thu nợ tại BHXH huyện, BHXH tỉnh có các trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị đóng BHXH như Hằng tháng, cán bộ thu thực hiện đôn đốc đơn vị nộp tiền theo quy định; Trường hợp đơn vị nợ quá 02 tháng tiền đóng, đối với phương thức đóng hằng tháng; 04 tháng, đối với phương thức đóng 03 tháng một lần; 07 tháng, đối với phương thức đóng 06 tháng một lần: Cán bộ thu trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc, lập Biên bản làm việc về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động; Gửi văn bản đôn đốc 15 ngày một lần.

Nếu sau 02 lần gửi văn bản mà đơn vị không nộp tiền, chuyển hồ sơ đến Phòng/Tổ Khai thác và thu nợ tiếp tục xử lý. Phòng/Tổ Khai thác và thu nợ Căn cứ hồ sơ do Phòng/tổ quản lý thu bàn giao, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đôn đốc đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động. Sau 3 tháng kể từ thời điểm lập biên bản làm việc mà bên đơn vị vẫn chưa đóng BHXH, Phòng/Tổ Khai thác và thu nợ phối hợp với Phòng Thanh tra – Kiểm tra/Tổ kiểm tra lập Danh sách đơn vị đề nghị thành lập đoàn thanh tra đột xuất để tổ chức thanh tra chuyên ngành theo quy định hoặc phối hợp với cơ quan quản lý lao động, cơ quan Thuế thành lập đoàn thanh tra liên ngành.

Luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Cụ thể đối với cơ quan BHXH, khi phát hiện người sử dụng lao động chậm đóng BHXH hoặc trốn đóng BHXH, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm kịp thời đôn đốc bằng văn bản.

Cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Đối với doanh nghiệp, trường hợp chậm đóng BHXH thì sẽ phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN. Do đó, chúng tôi cho rằng với các quy định của Luật BHXH mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 thì việc kiểm soát, theo dõi tình hình đóng bảo hiểm sẽ được làm tốt hơn, sắp tới các doanh nghiệp cũng cần nắm vững các quy định để đảm bảo việc thực hiện quy định về BHXH được tuân thủ, tránh những rủi ro pháp lý do bị xử lý trách nhiệm.

Như đã biết, quy định pháp luật nêu rất rõ và khá nặng đối với doanh nghiệp nợ BHXH. Xin Luật sư chia sẽ thêm về các quy định pháp luật hiện hành đối với vấn đề này và người lao động cần thực hiện hành động ra sao để bảo đảm quyền lợi cho bản thân?

Nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH so với thời hạn đóng được quy định, doanh nghiệp sẽ vi phạm vào một trong những điều cấm tại khoản 3 Điều 17 Luật BHXH năm 2014. Căn cứ vào khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng;

Tại khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng (đối với cá nhân), từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng (đối với tổ chức).

Ngoài ra, không chỉ xử phạt hành chính, người sử dụng lao động còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định về tội trốn đóng BHXH cho người lao động.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ doanh nghiệp đang chậm đóng BHXH, người lao động có thể thực hiện các hành động sau để bảo vệ bản thân.

Thứ nhất, kiểm tra thông tin đóng BHXH và liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân, yêu cầu đóng BHXH đúng hạn: Người lao động có thể dễ dàng kiểm tra thông tin đóng BHXH hoặc BHYT của mình qua ứng dụng BHXH số VssID hoặc Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam để xem doanh nghiệp đã đóng BHXH cho mình hay chưa. Nếu thấy có dấu hiệu doanh nghiệp chậm đóng hoặc không đóng BHXH, người lao động có thể yêu cầu doanh nghiệp giải quyết và xử lý đóng BHXH đúng hạn.

Thứ hai, trong trường hợp doanh nghiệp không giải quyết đóng BHXH đúng hạn mặc dù người lao động đã thực hiện phản ánh, yêu cầu, người lao động có quyền khiếu nại với cơ quan BHXH hoặc Công đoàn. Cơ quan BHXH hoặc Công đoàn sẽ tiếp nhận, xác minh và giải quyết khiếu nại theo quy trình và thẩm quyền. Khi đó, cơ quan BHXH hoặc Công đoàn có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các chứng từ liên quan để làm rõ sự việc.

Thứ ba, thực hiện khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết khi quyền lợi bị xâm phạm trong việc tham gia, đóng, hưởng BHXH.

Để tăng tính răn đe với các doanh nghiệp nợ BHXH, theo luật sư cần có giải pháp thế nào để tránh trình trạng này kéo dài âm ỉ trong cộng đồng doanh nghiệp?

Hiện nay quy định đã có, nếu có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ tốt hơn, triển khai thực tiễn xử lý các vi phạm công khai, minh bạch thì hiệu quả xử lý tốt hơn. Bên cạnh đó, cần xem xét thực hiện các biện pháp cưỡng chế tài chính như khấu trừ từ tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản để thu hồi khoản nợ BHXH hoặc tạm dừng hoạt động doanh nghiệp vi phạm.

Về phía người lao động ở các doanh nghiệp cũng cần được tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức pháp lý để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Hoạt động khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi nợ BHXH cần có quy trình xử lý, giải quyết trong thời hạn cụ thể, nhanh chóng để tránh tình trạng nợ BHXH kéo dài.

Ngoài ra, có thể quy định thêm quyền giám sát cho người lao động và tổ chức công đoàn thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch, thiết lập đường dây phản ánh vi phạm, và hỗ trợ người lao động trong các thủ tục khiếu nại, khởi kiện trong trường hợp quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng vì hành vi nợ BHXH.

Việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện truyền thông, các trang web chính thức của ngành BHXH hay hiệp hội doanh nghiệp sẽ tạo áp lực xã hội, từ đó góp phần làm thay đổi tinh thần thái độ của các doanh nghiệp. Trong câu chuyện này, người lao động thường ở phía yếu, do đó có những giải pháp cụ thể để xử lý với các doanh nghiệp sẽ giúp việc đóng BHXH được thực thi tốt hơn trên thực tế.

Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button