Huyện Cư Jút: Huy động và phát huy tối đa nguồn lực để phát triển xứng tầm

Trải qua quá trình phát triển, huyện Cư Jút đã khẳng định rõ vị thế, vai trò phát triển kinh tế - xã hội và đang trở thành cực tăng trưởng năng động ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đắk Nông.

Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Cư Jút được xác định thuộc vùng động lực phía Bắc, trong đó Ea T’Ling là đô thị hạt nhân và được định hướng lên thị xã đến năm 2030, có chức năng đô thị dịch vụ, du lịch và công nghiệp.
Huyện Cư Jút: Huy động và phát huy tối đa nguồn lực để phát triển xứng tầm
Huyện Cư Jút  nằm trên 2 trục hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh  – quốc lộ 14, là hành lang phát triển theo hướng Bắc Nam, đóng vai trò huyết mạch, giao thương của tỉnh với các tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, các tỉnh Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và Trục hành lang quốc lộ 14C, là hành lang phát triển theo biên giới phía Tây, phát triển kinh tế mậu biên, kết hợp an ninh quốc phòng. Huyện Cư Jút thuộc tiểu vùng phía Bắc (gồm huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút), là tiểu vùng phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu.
Trong những năm qua cơ cấu kinh tế của huyện Cư Jút đã chuyển dịch tích cực. Theo số liệu năm 2022: công nghiệp – tiểu thủ công ngiệp – xây dựng chiếm 41%,  thương mại –  dịch vụ chiếm 35%, nông – lâm nghiệp chiếm 24%. Tổng giá trị sản phẩm đạt 9.389 tỷ đồng. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 9%; Thu nhập bình quân đầu người là 57 triệu đồng/người/năm.
Toàn huyện Cư Jút hiện có khoảng 930 cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản. Khu công nghiệp Tâm Thắng đã thu hút được 45 dự án đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy 90,48%, trong đó có 37 dự án đã đi vào hoạt động, 07 dự án được cấp phép đang triển khai xưởng; có hơn 3.000 cơ sở thương mại – dịch vụ với giá trị thương mại – dịch vụ đạt gần 2.300 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp, nhờ thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, khuyến nông và ứng dụng kỹ thuật mới đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển ngày càng hiêu quả và bền vững.
Trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển được các tiểu vùng chuyên canh quy mô lớn như: Chuyên canh cây lương thực; chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu, đậu nành, đậu phụng, cây ăn trái; vùng sản xuất cây dược liệu… Năm 2023, giá trị sản xuất của huyện đạt trên 86 triệu đồng/ha/năm.
Huyện Cư Jút: Huy động và phát huy tối đa nguồn lực để phát triển xứng tầm
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nguyễn Anh Tú đặc biệt quan tâm công tác CCHC và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

 

CCHC thực chất, hiệu quả, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện

Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết, huyện phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đề ra. Tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, các lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân.
Huyện Cư Jút đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, hàng năm UBND huyện đều chỉ đạo quyết liệt và ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số cải cách hành chính, kiểm tra công tác cải cách hành chính, kế hoạch cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Huyện đã phát động phong trào thi đua “đẩy mạnh công tác cải cách hành chính”; nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ gắn với xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền số.
Những nỗ lực đó đã tạo được những chuyển biến, hiệu ứng tích cực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa Cư Jút trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư.

Huyện Cư Jút: Huy động và phát huy tối đa nguồn lực để phát triển xứng tầm

Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện – DDCI Đắk Nông năm 2023: huyện Cư Jút xếp thứ 2 với 69,61 điểm 

Hiện, trên địa bàn huyện Cư Jút có 30 dự án đầu tư ngoài ngân sách được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó: 19 dự án đã đi vào hoạt động; 7 dự án đang triển khai thực hiện. Nhiều dự án có số vốn đầu tư khá như: Nhà máy Điện mặt trời Cư Jút của Công ty CP Thủy điện miền Trung, với tổng vốn đầu tư 1.367 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn của Công ty CP Điện Gia Lai, với tổng số vốn đầu tư là 843 tỷ đồng; hiện cả 2 nhà máy đã đi vào vận hành phát điện thương mại. Dự án Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ loại 1 Nam Cao Nguyên tại thôn 6 xã Trúc Sơn có quy mô 5.500 học viên/năm, hiện nay dự án đang hoạt động. Dự án Bệnh viện tư nhân Xuyên Á – Tây Nguyên tổng vốn đầu tư dự kiến 916 tỷ đồng.

Huyện Cư Jút: Huy động và phát huy tối đa nguồn lực để phát triển xứng tầm

Nhà máy điện mặt trời Cư Jút

Ngoài ra, huyện đang tiếp tục kêu gọi, thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế của huyện như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, văn hóa, du lịch, tiêu biểu như: Dự án khu sản xuất chế biến nông sản tập trung tại xã Nam Dong; Dự án Siêu thị hạng 2; Khu du lịch Hồ Trúc…
Sự gia tăng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Cư Jút cho thấy môi trường đầu tư tại đây đã tạo được niềm tin và sức hấp dẫn. Đây là điều kiện để Cư Jút tăng tốc trong thời gian tới, phát triển xứng tầm sứ mệnh vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh Đắk Nông.
                                                                                                                          Quốc Hưng

Bài Viết Liên Quan

Back to top button