Hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023 đã diễn ra vào ngày 15/2 là hoạt động có ý nghĩa mở đầu trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tặng quà lưu niệm cho ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI)

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Nhật Bản trong hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực suốt nửa thế kỷ qua. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực then chốt như phát triển hạ tầng cơ sở giao thông vận tải, đào tạo nhân lực, cải cách thể chế kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục…. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước tính đến tháng 12/2022 đạt hơn 47 tỷ USD.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là  hợp tác đầu tư. Vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam  với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Không chỉ hiệu quả về số lượng, chất lượng hiệu quả kinh doanh của Nhật Bản tại Việt Nam cũng rất tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5% , tăng 5% so với năm 2021. Đặc biệt, các dự án quy mô lớn mà các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản như: Canon, Panasonic, Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Sumitomo … đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh.

Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới gần 500.000 người. Đây được xem là nhóm nhân lực trẻ, năng động đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nhật Bản và là cầu nối quan trọng về văn hóa giữa hai nước.

Hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, những thành tựu của VN không chỉ đến từ nỗ lực và quyết tâm cao từ bên trong, mà còn có sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, mà NB là một ví dụ. Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ, khai thác các tiềm năng hợp tác với Nhật Bản, Phó Thủ tướng nêu ra một số định hướng sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định thương mại CPTPP,  Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương  theo hướng cân bằng.

Thứ ba, triển khai nâng tầm đối tác chiến lược trên nền tảng số, qua đó mở ra cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam; và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Cũng tại hội nghị, ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch, Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) đánh giá cao sự hỗ trợ của chính phủ các cơ quan ban ngành của Việt Nam, đặc biệt là VCCI, trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo ông, Việt Nam đã và đang trở thành thị trường quan trọng nhất cho nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản. Hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó 60% đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây trong tương lai. Thậm chí, cuộc khảo sát gần đây của JETRO với các doanh nghiệp lớn cho thấy, trong tương lai Việt Nam sẽ là thị trường có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhất trong tương lai, chỉ sau Mỹ.

Theo đó, Nhật Bản mong muốn tiếp tục được đầu tư vào Việt Nam, cũng như ASEAN trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp trong thời gian tới. Đặc biệt, năm kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ này được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho những bước tiến lớn hơn trong tương lai, không chỉ trong quan hệ hợp tác kinh tế mà cả trong giao lưu nhân dân.

“Nhiều chương trình kỉ niệm năm quan hệ sẽ được tổ chức khắp Việt Nam năm nay. Tôi mong đợi các sự kiện có sự tham gia của nhiều người dân Việt Nam và Nhật Bản trên mọi lĩnh vực có thể tham gia. Với chủ đề “Tay cầm tay,hướng tới tương lai, hướng ra thế giới”, chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra năm kỷ niệm 50 năm đáng nhớ”, ông Yoshihisa Suzuki cho biết.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button