Hơn 40.000 khách hành hương Yên Tử hai ngày cuối tuần

Dù nhiệt độ xuống mức 3 độ C, hơn 40.000 du khách vẫn hành hương về Yên Tử hành hương lên đỉnh chùa Đồng để bái Phật. Dự kiến năm 2023, Yên Tử đón trên một triệu lượt khách.

Hơn 40.000 khách hành hương Yên Tử hai ngày cuối tuần
Du khách làm lễ trên đỉnh chùa Đồng, Yên Tử. Ảnh: CTV.

Trong hai ngày 28-29/1, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, khu vực Yên Tử có gió giật mạnh và tiếp tục chìm trong rét đậm, rét hại khi nhiệt độ về đêm và sáng sớm giảm sâu.

Theo ghi nhận của Zing, tại khu vực đỉnh chùa Đồng, Khu di tích và danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh, nhiệt độ có thời điểm ghi nhận xuống mức 3 độ C. Tuy nhiên, lượng du khách đổ dồn về khu vực đỉnh chùa Đồng vẫn rất đông.

Anh Nguyễn Văn Thành, trú quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết tranh thủ hai ngày cuối tuần cùng gia đình và bạn bè đến Yên Tử du xuân. Thời tiết lạnh nhưng cả đoàn vẫn cố gắng chinh phục đỉnh chùa Đồng để cầu mong năm mới nhiều sức khỏe.

Hơn 40.000 khách hành hương Yên Tử hai ngày cuối tuần
Nhiệt độ trên đỉnh chùa Đồng ghi nhận ở mức 3 độ C. Ảnh: Chùa Yên Tử.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết trong hai ngày cuối tuần Yên Tử đón 42.948 lượt khách.

Cụ thể, trong ngày 28/1 (mùng 7 tháng Giêng), Yên Tử đón 21.422 lượt khách, trong đó cáp treo 12.057 khách, đi bộ qua Giải Oan 5.552 khách, phía tây Yên Tử 3.813 khách.

Ngày 29/1 (Mùng 8 tháng Giêng), Yên Tử đón 21.526 lượt khách, trong đó có 11.078 khách, đi bộ 5.757 khách, từ phía tây Yên Tử 4.691 khách.

Lũy kế trong tháng đầu năm 2023, Yên Tử đón 132.093 lượt khách, doanh thu từ hoạt động bán vé tham quan đạt trên 5 tỷ đồng.

Riêng trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Yên Tử đón trên 62.000 lượt khách. Dự kiến, trong năm 2023, Yên Tử sẽ đón trên một triệu lượt khách.

Ông Dũng cho biết lượng khách đổ dồn về đông ngay trong những ngày đầu năm là tín hiệu vui sau 3 năm Yên Tử bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, lễ hội Yên Tử xuân Quý Mão sẽ được tổ chức khai hội trở lại với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh đặc sắc để thu hút khách đến với Yên Tử, đặc biệt là khách quốc tế.

Nhiều chương trình vui xuân mang đậm nét văn hóa cổ truyền đã được tổ chức trong dịp lễ hội năm nay tại Yên Tử như hát quan họ, vẽ tranh Đông Hồ, khám phá ẩm thực địa phương…

Ông Lê Trọng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP phát triển Tùng Lâm, cho biết để đáp ứng lượng khách lớn đến với Yên Tử trong năm nay, ngay từ đầu năm công ty đã cho sửa chữa, nâng cấp 4 hệ thống cáp treo. Trong đó, thay lại dây cáp mới, bảo dưỡng con lăn và cabin chở khách.

Bên cạnh đó, các phương án đón khách dịp cao điểm cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Lực lượng nhân sự được huy động tối đa, khoảng 100 xe điện đảm bảo đưa đón khách trong khu di tích. Các hàng quán thực hiện nghiêm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, để du khách thuận tiện hành hương vào ban đêm, công ty cho sửa chữa nâng cấp và lắp thêm hệ thống chiếu sáng trên dọc tuyến đường hành hương. Theo đại diện Tùng Lâm, trong dịp Tết Quý Mão, khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử đạt 100% công suất phòng vào dịp cuối tuần. Vào ngày thường, lượng phòng có khách đặt đạt 70-80%.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch hội đồng Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho biết lễ khai hội và hội xuân Yên Tử năm nay được tổ chức vào sáng ngày 31/1 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Quý Mão).

Lễ khai hội đón khách tham quan khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là hoạt động văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của Khu di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

“Lễ khai hội và hội xuân Yên Tử năm nay là sự phục hồi sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động lễ hội bị gián đoạn, người dân không có điều kiện thể hiện niềm tin tín ngưỡng”, hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ.

Hơn 40.000 khách hành hương Yên Tử hai ngày cuối tuần
Hơn 40.000 du khách đến Yên Tử hành hương trong 2 ngày cuối tuần. Ảnh: Quốc Nam.

Ngoài phần chính là lễ và hội, chương trình khai hội xuân Yên Tử còn có các hoạt động văn hóa liền kề như đêm hội hoa đăng, cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hoá ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…

Khu Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử là nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam, là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của cả nước. Núi Yên Tử có chiều cao 1.068 m, từ xưa đã được coi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng .

Hàng năm, Yên Tử thu hút hàng vạn du khách, phật tử đến hành hương, chiêm bái lễ Phật. Như thường lệ, lễ hội xuân Yên Tử bắt đầu vào ngày mồng 10 Tết Âm lịch và kéo dài khoảng 3 tháng.

63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button