Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng

Ngày 5/6/2024 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, đây là hội nghị thứ 3 của chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước.

Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng
Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng được tổ chức tại Khách sạn Pullman, 61 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Sau thành công của các Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên, Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng tập trung bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng như: Liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao (như gạo, rau củ quả…); Liên kết phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu, khai thác hiệu quả các sản phẩm kinh tế biển phục vụ xuất khẩu; Liên kết phát triển các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu – cụm công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; Hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quy mô vùng…

Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây, Tây Nam giáp vùng trung du và miền núi phía Bắc; phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Đây là vùng có nền kinh tế phát triển năng động, không gian thị trường rộng lớn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Vùng đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Quy mô kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm gần 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu đồng). Quý I/2024, GRDP bình quân của Vùng đạt 6,3% (bình quân cả nước 5,66%).

Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc hội nghị

Hoạt động xuất nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng những năm qua luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu chung của cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…

Những năm qua, một số địa phương trong vùng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước (như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…). Hạ tầng thương mại phát triển khá với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và cả nước.

Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng gồm luyện kim, cơ chế, hoá chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, nhiệt điện, khai thác khí dầu, khai thác đá vôi, khai thác cao lanh, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc và gia cầm…

Công tác xúc tiến thương mại được xác định là sợi dây liên kết các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng trong xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng trong 2 năm vừa qua đã tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác này cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt đa dạng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm của vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng đồng bằng sông Hồng được định vị là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững.

Để góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như từng địa phương, đưa vùng đồng bằng sông Hồng phát triển ngày càng lớn mạnh, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong công tác xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu cần được triển khai đẩy mạnh và tạo dựng các cơ chế chính thức riêng trong liên kết vùng.

Hội nghị được kỳ vọng là kênh chia sẻ, trao đổi thông tin giá trị, cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng đồng bằng sông Hồng trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu; vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.

TGA

Bài Viết Liên Quan

Back to top button