“Hội nghị Diên Hồng” về tín dụng: “Góp gió thành bão” vì sự phát triển chung

Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa diễn ra sáng ngày 7/12.

“Góp gió thành bão” vì sự phát triển chung

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, người dân đã nỗ lực, cố gắng để khắc phục, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn, thách thức về vốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có tinh thần như hội nghị “Diên Hồng” nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, “góp gió thành bão” để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn được, mới có sự phát triển chung.

Thủ tướng chỉ rõ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có có bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc và bài học nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng, nhân dân làm nên lịch sử. Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp.

Không hạ chuẩn tín dụng, linh hoạt điều kiện vay

Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ, như Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đến cuối tháng 10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được các nhà băng cơ cấu lại trên 158.690 tỷ đồng. Hiện cơ quan này xem xét và sẽ báo cáo Chính phủ việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02. Riêng với bất động sản, ngoài các chính sách tháo gỡ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án, số tiền 1.986 tỷ đồng. Tới cuối tháng 11, 4 dự án trong số này được giải ngân 143 tỷ đồng.

Thủ tướng đặt vấn đề: Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không. Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?

“Tình hình kinh tế thế giới đang có những khó khăn chung, song ở mỗi nước có những khác nhau. Vấn đề toàn cầu cần có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương; vấn đề toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; song phải nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tình hình Việt Nam, không máy móc.

Chính sách đối ngoại, hội nhập của Việt Nam đang rất thành công, đang chuyển thành nguồn lực, minh chứng rõ nét là đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn FDI rất cao, thể hiện thế giới tin tưởng Việt Nam”, Thủ tướng lấy ví dụ.

Thủ tướng khẳng định, để tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, mỗi đại biểu cần phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau; phát huy đoàn kết để cùng đóng góp và cần cả sự hy sinh, nhường nhịn; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Thủ tướng lưu ý, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế chúng ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế nên hành động phải thận trọng, chắc chắn, bước đi phù hợp, nhưng phải có lộ trình để ngày càng sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn là công cụ hành chính, tiến tới thị trường đầy đủ, theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tướng đặt vấn đề: Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không? Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không? – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tín dụng cấp tốc thúc đẩy giải ngân, nhưng còn chậm

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, một trong những điểm sáng của nền kinh tế được nêu lên là vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm (giảm bình quân khoảng 2-3% so với cuối năm 2023); an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.

NHNN cũng cho biết tính đến hết tháng 11, tín dụng đã tăng trưởng đạt 9,15%, thấp hơn 3 điểm phần so với cùng kỳ năm trước, lũy kế dư nợ trong nền kinh tế đạt 13 triệu tỷ đồng.

Như vậy, đã có hơn 200.000 tỷ đồng đã được đưa ra thị trường và giải ngân trong tháng 11, cho thấy nỗ lực của ngành ngân hàng trong giai đoạn “nước rút”, tăng tốc hỗ trợ nền kinh tế những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu NHNN đề ra 14,5%, tín dụng vẫn còn tăng trưởng chậm và hơn 5% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần phải đẩy nhanh trong tháng 12, tức hơn 500.000 tỷ đồng cần được giải ngân – với điều kiện khả năng hấp thụ vốn tương ứng với cầu vốn. Đây vẫn đã và đang bài toán thách thức với hệ thống ngân hàng khi vừa phải đảm bảo chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu gia tăng, vừa phải giải quyết vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân sao cho rộng đường “đón vốn”.

Liên quan đến công tác điều hành tăng trưởng tín dụng, ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Theo đó, Chính phủ, Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm nay, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Ngày 29/11, NHNN cũng đã điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để kịp thời điều tiết room tín dụng từ những ngân hàng chưa tăng dư nợ đạt tỷ lệ thấp, sang các ngân hàng có dư nợ đạt tỷ lệ cao trên 80%/ hạn mức. Các ngân hàng có chính sách hạ lãi suất tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và đảm chỉ tiêu các chỉ tiêu về đánh giá sức khỏe ngân hàng, cũng được ưu tiên tăng hạn mức tín dụng.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button