Hồ Chí Minh: Kết nối cung – cầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Ngày 4/7 tại TPHCM, đã diễn ra Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2025 – SFS 2025. Đây là sự kiện thường niên được TPHCM tổ chức hằng năm nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ trong nước với các DN FDI lớn. Hội nghị thu hút 20 doanh nghiệp FDI kết nối 100 nhà cung cấp nội địa, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng giá trị cao, do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp và Ban quản lý Khu công nghệ cao tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cho biết, qua 8 kỳ tổ chức, hội nghị đã trở thành nền tảng quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối thực chất giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các doanh nghiệp FDI và tập đoàn sản xuất lớn. Tính đến nay, chương trình đã ghi nhận hơn 136 lượt doanh nghiệp FDI tham gia, thực hiện hơn 2.100 cuộc tiếp xúc trực tiếp với 470 nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có năng lực cung ứng phù hợp nhu cầu thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết thêm các hoạt động kết nối cung cầu tại hội nghị năm 2025 sẽ không dừng lại ở các cuộc gặp gỡ tại chỗ. “Ban tổ chức sẽ theo dõi kết quả đánh giá tiềm năng của từng doanh nghiệp, thúc đẩy tham gia vào chương trình phát triển nhà cung cấp nội địa tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh trong dài hạn, từng bước nâng cao năng lực cung ứng trong nước và hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững cho thành phố”, bà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Đã có hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp 1-1 đã được lên lịch và sắp xếp kỹ lưỡng trước hội nghị dựa trên nhu cầu cụ thể của từng bên, đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp trong kết nối. Việc tổ chức kết nối song song cả trực tiếp và trực tuyến cũng giúp mở rộng phạm vi tiếp cận cho các doanh nghiệp trong điều kiện địa lý và thời gian hạn chế. Đáng chú ý là các hội thảo chuyên đề xoay quanh các chủ đề về chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp giá trị cao, gồm: cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị, công nghiệp bán dẫn – vi mạch, công nghiệp y tế…
Ngoài ra, hội nghị cũng tổ chức hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp với đại diện các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, cùng các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực trong nước trong các lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, điện – điện tử, ô tô, y tế và hàng không.
|
Đại diện cho doanh nghiệp tham dự sự kiện cho biết, ông Nguyễn Vĩnh Lộc, CEO Daviteq, đây là lần thứ hai doanh nghiệp chúng tôi tham gia sự kiện này. Daviteq hiện đang tìm kiếm các nhà cung cấp trong lĩnh vực cơ khí, kim loại, gia công CNC, ép nhựa, chi tiết ốc vít, phụ kiện bo mạch, bo mạch điện tử và dịch vụ dán linh kiện. Ông Nguyễn Vĩnh Lộc đánh giá, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều. Tuy nhiên, sự kết nối giữa nhà cung cấp (supplier) và bên mua (buyer) vẫn còn chưa chặt chẽ. Do đó, ông kỳ vọng sẽ có một nền tảng hay cơ chế chính sách hỗ trợ kết nối hiệu quả hơn, giúp các buyer tìm được nhà cung cấp chất lượng, và ngược lại, giúp supplier tiếp cận với các khách hàng lớn để mở rộng cơ hội phát triển.
Để nâng tầm giá trị và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng FDI và doanh nghiệp lớn Việt Nam, ông Nguyễn Vĩnh Lộc khuyến nghị các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nên tích cực tham gia các sự kiện kết nối và nền tảng trực tuyến, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực nội tại về máy móc, quy trình và tiêu chuẩn.
Lê Hiền