Highlands Coffee tăng giá và câu chuyện nghệ thuật kinh doanh “Omotenashi” của Nhật Bản

Mới đây, chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam vừa công bố tăng giá bán trước “tình hình biến động thị trường”. Liệu đây có phải là bước đi hợp lý?

Từ việc Highlands Coffee tăng giá đồ uống…

Theo thông báo trên fanpage, Highlands Coffee cho biết sẽ điều chỉnh tăng giá bán của các sản phẩm. Mức giá mới của các đồ uống đã tăng từ 10-15%. Đặc biệt là ở các món trà, với mức tăng đối với ly lớn nhất lên đến 18%. Trong khi đó, giá cà phê truyền thống size S của thương hiệu vẫn giữ giá cũ.

Highlands Coffee tăng giá và câu chuyện nghệ thuật kinh doanh

Highlands Coffee cho biết sẽ điều chỉnh tăng giá bán của các sản phẩm.

Giá mới sẽ được áp dụng tại Hà Nội và TP HCM kể từ 27/6. Việc tăng giá sẽ được áp dụng muộn hơn ở các cửa hàng khác trên toàn quốc, bao gồm cả app đặt hàng, từ ngày 1/7. Tại một số quán có địa điểm đặc biệt như ở sân bay, giá bán có thể khác với menu tiêu chuẩn.

Theo giải thích từ Highlands Coffee, chuỗi thương hiệu buộc phải điều chỉnh giá bán là để có thể “giữ vững và nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng trước tình hình biến động thị trường hiện nay”.

Trên thực tế, Highlands Coffee hiện được coi là chuỗi đồ uống lớn nhất Việt Nam với khoảng 500 cửa hàng trên cả nước. Không gian đẹp, đồ uống ngon, xuất hiện ở hầu hết các trung tâm thương mại lớn, Highlands Coffee đang ngày càng khẳng định thương hiệu và đè bẹp các đối thủ, thậm chí cả “gã khổng lồ” Starbuck trên thị trường F&B Việt Nam.

Chính vì vậy, chỉ một thông báo tăng giá của chuỗi đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ Việt. Ít giờ sau khi có thông báo điều chỉnh giá, bài viết của thương hiệu này đã thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội. Có ý kiến bày tỏ sự cảm thông trong thời kỳ bão giá, nhưng cũng không ít những phản ứng trái chiều, thậm chí có người còn đem so sánh việc tăng giá của doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát, vật giá leo thang là một việc làm “cơ hội”.

… đến nghệ thuật kinh doanh “Omotenashi” của Nhật Bản

Trong bối cảnh lạm phát đang trở thành vấn đề nóng hổi trên toàn cầu khi giá lương thực và nhiên liệu tăng chóng mặt, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, câu chuyện lạm phát chưa bao giờ khiến các nhà hoạch định chính sách của nước này phải đau đầu.

Highlands Coffee tăng giá và câu chuyện nghệ thuật kinh doanh

Omotenashi – Tinh thần nghĩ cho người khác của Nhật Bản.

Tại đất nước mặt trời mọc người ta thường kể cho nhau nghe những câu chuyện về việc coi trọng thương hiệu, đặt khách hàng lên trên hết và đặc biệt, họ luôn không muốn tăng giá sản phẩm nhằm giữ uy tín với khách hàng. Tại đây, có một thứ văn hóa doanh nghiệp, coi khách hàng là thượng đế và được nâng tầm lên thành nghệ thuật kinh doanh với cái tên “Omotenashi”.

Omotenashi trong tiếng Nhật có nghĩa là tiếp đón khách hàng bằng cả tấm lòng chân thật, không giả tạo. Hiểu một cách nôm na, đây là nghệ thuật hiếu khách, quên mình, hết lòng và chu đáo. Chúng ta có thể dễ dàng thấy được “Omotenashi” hàng ngày ở Nhật Bản. Đó là cái cúi đầu sâu và lời chào nồng nhiệt khi bạn bước vào cửa hàng, tài xế taxi tự động đóng, mở cửa và xếp hành lí cho khách. Nhà vệ sinh thì vô cùng sạch sẽ, được phục vụ ở hầu hết các địa điểm công cộng. Ở bên cạnh bàn ăn nhà hàng hay quán bar đều luôn có một chiếc giỏ nhỏ để khách hàng để túi xách hay áo khoác…

Đặc biệt, các công ty lâu năm của Nhật Bản luôn cảm thấy biết ơn người tiêu dùng gắn bó từ những năm tháng khó khăn, họ muốn giữ chữ tín, và hầu hết sẽ không bao giờ tăng giá trong bất cứ hoàn cảnh nào. Rất nhiều sản phẩm tại đây được giữ nguyên mức giá trong nhiều thập kỷ và nếu muốn thay đổi, các công ty sẽ phải tổ chức hẳn một cuộc họp báo nhằm “xin lỗi khách hàng về sự bất tiện này”. Đơn cử như trường hợp hãng kem Agaki, họ đã đăng một video cúi gập người xin lỗi của Chủ tịch cùng toàn thể ban giám đốc điều hành vì đã tăng giá lên thêm…10 yên (tương đương 2.000 đồng) sau hơn … 25 năm giữ giá vào năm 2016.

Trên thực tế, để đối phó với lạm phát trong khi muốn giữ giá, các công ty Nhật Bản thường cắt giảm chi phí nhân công hay tiền lương của người lao động, hoặc doanh nghiệp buộc phải chấp nhận thua lỗ.

Trong khi tại Việt Nam hay một số các quốc gia khác, doanh nghiệp thường đem chi phí tăng giá đầu vào như nguyên liệu, nhân công chuyển sang cho khách hàng. Bởi, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải đưa ra các lựa chọn, một là cầm cự hoạt động, chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí lấy công làm lãi để lôi kéo khách hàng và cách khác là tăng giá sản phẩm để bù lại lợi nhuận.

Có thể thấy, chiến lược tăng giá sản phẩm của Highlands Coffee trong thời điểm hiện tại đang là một con dao hai lưỡi, có thể khiến lợi nhuận của công ty được ổn định, nhưng có thể cũng tạo ra một hiệu ứng ngược cho thương hiệu café được yêu thích nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, khi mà các đối thủ không đội trời chung của họ như Starbuck, The Coffee House hay là Phúc Long,… vẫn chưa có động tĩnh.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, việc giữ giá, chia sẻ lợi nhuận, sẵn sàng chịu thua thiệt trong thời gian ngắn để kích cầu người tiêu dùng là một việc nên làm và là hướng đi tất yếu cho các doanh nghiệp nếu muốn vượt qua khủng hoảng và giữ vững uy tín của thương hiệu.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button