Hiệu suất hoạt động giàn khoan và sức hút cổ phiếu PVD
Cổ phiếu PVD -Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí – trong nhiều phiên giao dịch gần đây tiếp tục hút dòng tiền của nhà đầu ngoại, trở thành cổ phiếu hiếm được khối ngoại mua ròng.
Phiên giao dịch ngày 30/6, khối ngoại mua vào 867 ngàn cổ phiếu PVD với tổng giá trị giao lên tới 21,2 tỷ đồng; Phiên ngày 29/6, nhà đầu tư ngoại mua vào 274,9 ngàn cổ phiếu PVD với tổng giá trị giao dịch gần 7 tỷ đồng; Phiên giao dịch ngày 16/6, nhà đầu tư ngoại mua vào 822 ngàn cổ phiếu PVD với tổng giá trị giao dịch 19,8 tỷ đồng; Phiên giao dịch 23/6, khối ngoại cũng mua vào 1,2 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 30,8 tỷ đồng…
Trong bối cảnh dòng vốn ngoại khó đổ vào thị trường chứng khoán mới nổi do lãi suất tại Mỹ tiếp tục tăng thì việc dòng vốn này đổ vào cổ phiếu PVD và thị trường chứng khoán Việt Nam là những tín hiệu tích cực, cho thấy cổ phiếu này vẫn được dòng tiền ngoại ưu ái.
Báo cáo nhận định về cổ phiếu PVD, Công ty Chứng khoán BSC cho biết, trong quý 1/2023, doanh thu thuần của PVD đạt 1.227 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 75 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của PVD quý 1 khả quan chủ yếu nhờ mảng dịch vụ khoan ghi nhận 915 tỷ đồng doanh thu tăng 22%, và 129 tỷ đồng lợi nhuận gộp (trong khi cùng kỳ lỗ 13 tỷ đồng). Trong quý 1, giá cước cho thuê giàn khoan tự nâng đạt trung bình khoảng 70.000 USD/ngày (tăng 13%), và hiệu suất hoạt động lên tới 99% (do tất cả các giàn đều có đủ công việc).
Được biết, năm 2023, PVD đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng. Hiệu suất cho thuê giàn tự nâng theo kế hoạch đạt khoảng 3,9 giàn (khoảng 97%), với đơn giá cho thuê giàn trung bình năm khoảng 75.000 USD/ngày (+23,4%). Như vậy kết thúc quý 1, PVD đã hoàn thành 23% kế hoạch về doanh thu, và 43% kế hoạch về lợi nhuận cả năm.
Tính tới hết tháng 5/2023, mặc dù đã giảm 20% kể từ đỉnh, nhưng giá cước ngày cho thuê giàn khoan của khu vực vẫn duy trì ở mức quanh 100. 000 USD/ngày, với hiệu suất hoạt động lên tới hơn 90%. Có thể nói, trong bối cảnh số lượng giàn khoan hoạt động ở khu vực Đông Nam Á đã giảm đáng kể so với thời điểm năm ngoái (do xu hướng chuyển dịch các giàn sang Trung Đông), BSC cho rằng giá thuê giàn nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, trong số tất cả các giàn khoan của PVD đều có đầy đủ việc làm trong cả năm 2023, vẫn có một số giàn như PVD II hay PVD III đang hoạt động với giá khoảng 60.000 – 70. 000 USD/ngày tới cuối năm 2023, do hợp đồng đã ký từ trước. Do đó, BSC đánh giá PVD sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi từ giá thuê giàn cao hơn trong giai đoạn 2024 – 2025.
Ngoài mảng hoạt động của các giàn khoan, theo BSC, kỳ vọng các dự án dầu khí sẽ được tái khởi động trong thời gian tới, bù đắp sản lượng cho các mỏ dầu khí đang dần cạn kiệt.
Triển vọng giàn khoan thị trường trong nước được cải thiện kể từ cuối năm 2023. Hiện tại trong nước đang có 8 giàn tự nâng đang hoạt động trong đó có, 5 giàn Vietsovpetro (VSP), 2 giàn PVD và 1 giàn nước ngoài. Nhu cầu giàn khoan trong nước hiện tại đang rất yếu khi thiếu các dự án trọng điểm. Trong 6 tháng cuổi năm 2023, PVD đang lên kế hoạch thuê thêm giàn để cung cấp cho VSP, tùy vào tình hình thị trường và tiến độ triển khai các dự án.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo, kể từ năm 2024 sẽ có rất nhiều dự án dài hạn được tái khởi động, bao gồm: Dự án Đại Hùng – pha 3 (dự kiến 12 giàn khoan); Dự án Lạc Đà Vàng (dự kiến bắt đầu khoan thăm dò vào Quý 3/2024); Mỏ Cá Tầm (12 giếng khoan, sử dụng giàn nhẹ) và Mỏ Kình Ngư Trắng (28 giếng khoan, sử dụng giàn nhẹ). Do đó, BSC kỳ vọng nguồn công việc cho PVD ở thị trường trong nước sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024 – 2025, với các hợp đồng dài hạn cùng giá thuê giàn khoan khả quan (dự kiến có thể đạt trên 100.000 USD/ngày)
Bên cạnh đó, PVD bắt đầu tham gia chiến dịch khoan cho dự án Lô B – Ô Môn kể từ 2025. Đối với dự án này, Banh Lãnh đạo công ty cho biết hiện PVD đang tham gia gói thầu EPCI. Nếu kế hoạch đi đúng theo lộ trình, dự kiến PVD sẽ bắt đầu nhận phần công việc khoan các giếng khai thác kết từ năm 2025, bao gồm 77 giếng và 911 giếng cho đến khi kết thúc dự án. BSC ước tính, tổng khối lượng mảng khoan và dịch vụ kỹ thuật giếng khoan trong dự án này có thể đem lại cho PVD trên 200 triệu USD trong giai đoạn 2025 – 2027.
Do vậy, BSC dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của PVD đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6.765 tỷ VND tăng 25% và 368 tỷ đồng. Công ty này cũng nâng giá mục tiêu của PVD dựa trên dự báo lợi nhuận tăng 20% so với báo cáo gần nhất.
“Triển vọng kinh doanh của PVD sẽ tiếp tục diễn biến tích cực hơn, nhờ đơn giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn duy trì ở mức cao, đồng thời các dự án dầu khí trong được được đẩy mạnh đầu tư trong thời gian tới. Rủi ro giảm giá bao gồm hiệu suất hoạt động các giàn khoan thấp hơn dự kiến, lợi nhuận từ hoạt động khoan thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng bởi biến động giá dầu, và các dự án thượng nguồn dầu khí bị chậm tiến độ”, BSC nhận định và khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu PVD cho mục tiêu 29.000 đồng/cp cho năm 2023.