Hải Phòng: Du lịch nông thôn – “mỏ vàng” chờ khai thác
Ngoài thế mạnh về du lịch biển, Hải Phòng có nhiều làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, những giá trị này chưa được khai thác đúng cách để phát triển du lịch nông thôn.
Khu vực nông thôn và giá trị nông nghiệp nông thôn phong phú là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, đóng vai trò là điểm đến, cung cấp không gian và các dịch vụ giúp cho ngành du lịch hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính hấp dẫn cao. Những năm gần đây, lượng khách du lịch nông thôn tại Hải Phòng ngày càng tăng bởi những trải nghiệm, thưởng thức thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn xóm.
Ngoài các làng nghề nổi tiếng và sản phẩm OCOP độc đáo được đưa vào khai thác du lịch như: làng nghề điêu khắc Bảo Hà, làng cá giống Hội Am, Táo Bàng La…, Hải Phòng còn được biết đến với các giá trị văn hóa, di tích lịch sử được du khách yêu thích, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Tuy vậy, việc khai thác loại hình du lịch này còn nhiều khó khăn, chưa được khai thác một cách triệt để.
Theo các chuyên gia nhận định, một số địa phương tại Hải Phòng có thế mạnh và đa dạng về ẩm thực nhưng quy mô còn nhỏ, không đủ khả năng phục vụ lượng khách lớn. Mặt khác, hoạt động du lịch nông thôn tại các địa phương mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, kết nối. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại các điểm du lịch nông thôn còn thiếu và chưa được đầu tư. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này chưa được chú trọng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành với các địa phương.
Đánh giá về tiềm năng du lịch mới này, theo ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, TP Hải Phòng hiện có 505 di tích được xếp hạng, có kho tàng văn hóa, lễ hội phong phú với khoảng 400 lễ hội các cấp; 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, TP Hải Phòng còn có 45 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3-4 sao.
Cùng với đó, một trong những trải nghiệm hấp dẫn du khách chính là việc tham gia vào quá trình đánh bắt thủy hải sản hoặc dạo chợ sớm để thu mua những nguyên liệu tươi ngon và tự tay chế biến các món ăn đặc trưng. Đây được xác định là lợi thế rất lớn để Hải Phòng phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa được chú trọng, chưa xây dựng thành sản phẩm chuyên nghiệp phục vụ cho du lịch.
Cần được “đánh thức”
Với những lợi thế sẵn có, phát triển du lịch nông thôn được coi là một hướng đi để đa dạng sản phẩm, mở rộng không gian du lịch, đồng thời sẽ đạt mục tiêu kép là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo ông Lê Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Authentic Asia, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hải Phòng khá thu hút, tuy nhiên chưa thực sự trở thành điểm nhấn của du lịch nông nghiệp. Với những tiềm năng sẵn có, Hải Phòng hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, để du lịch nông thôn trở thành chương trình du lịch trải nghiệm xuyên suốt, trải rộng thì các sản phẩm du lịch nông thôn cần tạo điểm nhấn, có tính đặc trưng, tạo sự kết nối của các điểm đến.
Năm 2019, TP Hải Phòng đã hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt nông thôn mới. Ngay sau đó, TP Hải Phòng đã triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa của địa phương. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận điểm đến, gắn kết phát triển du lịch với không gian, cảnh quan đẹp, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Tuy nhiên, để phát triển được loại hình du lịch này theo hướng bền vững, theo Sở Du lịch Hải Phòng, trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển loại hình du lịch này. Các địa phương cần tập trung rà soát, đánh giá tài nguyên, thực trạng của các xã nông thôn mới để quy hoạch mạng lưới điểm đến du lịch nông thôn đáp ứng các tiêu chí về khai thác giá trị cốt lõi nổi bật nhất, cũng như đảm bảo về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng du lịch nhằm hấp dẫn du khách.
Trước đó, Sở Du lịch Hải Phòng đã hoàn thiện dự thảo và trình TP Hải Phòng về đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới tại Hải Phòng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030.
Theo đó, đề án nghiên cứu hiện trạng, tiềm năng phát triển du lịch tại các huyện: An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy và Thủy Nguyên; nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại các địa phương từ năm 2016 đến nay và đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn Hải Phòng. Đồng thời, đề án sẽ tập trung giải quyết các nhóm nhiệm vụ như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch khu vực nông thôn; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch nông thôn; phát triển nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn; quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm du lịch nông thôn; phát triển hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới.
“Để có được những sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, ngày càng thu hút đông đảo du khách đến với Hải Phòng, trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch, ngoài sự kết nối, định hướng, tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước, ngành du lịch Hải Phòng rất cần sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành uy tín để cùng hoàn thiện sản phẩm du lịch, quảng bá hiệu quả đến đông đảo du khách, mở rộng thị trường tạo đà cho sự phát triển bền vững của du lịch”, đại diện Sở Du lịch Hải Phòng chia sẻ.
Theo bà Phan Thị Hồng Minh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông và du lịch Lộc Phát, mới đây, Sở Du lịch Hải Phòng đã tổ chức chương trình Farmtrip “Hải Phòng tần thủ – Góc nhìn mới”. Chúng tôi cho rằng, đây là hoạt động hết sức thiết thực trong việc đánh thức tiềm năng du lịch của Hải Phòng, đặc biệt là loại hình du lịch trải nghiệm. Đây cũng là hoạt động mà nhiều đơn vị lữ hành đang hướng đến. Sau khi tham gia chương trình trải nghiệm này, công ty mong muốn sẽ đưa được nhiều khách du lịch đến Hải Phòng để trải nghiệm các loại hình du lịch nông nghiệp phong phú tại đây.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp.