Gói hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, đúng đối tượng
Sau những tín hiệu khởi sắc được ghi nhận trong tháng 4 thì sang đến tháng 5, doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động.
Doanh nghiệp thành lập mới giảm cả số lượng lẫn quy mô
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tháng 5/2023 cả nước có hơn 12 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 103 nghìn tỷ đồng và số lao động là hơn 74 nghìn người.
So với tháng 4 – thời điểm ghi nhận số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tích cực nhất từ đầu năm thì các chỉ số trên trong tháng 5 đều sụt giảm. Cụ thể, doanh nghiệp thành lập mới giảm 24,2% so với tháng 4, vốn đăng ký giảm 32,9% và số lao động giảm 37,4%. So với cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp thành lập mới đã giảm 9,5%, số vốn đăng ký giảm 17,5% và giảm 16,6% về số lao động.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 61,9 nghìn doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,6%, vốn đăng ký giảm 25,3% và số lao động giảm 7,2%.
Với tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký trong 5 tháng đầu năm là hơn 568 nghìn tỷ đồng, bình quân một doanh nghiệp thành lập mới có vốn đăng ký là 9,2 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả hơn 824 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023 là 1.393,7 nghìn tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số khác cũng không ghi nhận tín hiệu tích cực: số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong tháng 5 có gần 33 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 38,1% so với tháng trước đó và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2023 lên gần 95 nghìn doanh nghiệp (giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước). Như vậy, bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tháng 5 có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2% và tăng 12,7%; có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 19% và giảm 8,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, có 55,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; 25,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kinh doanh bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh nhất, nhưng tỷ lệ giải thể tăng cao nhất. Từ đầu năm đến nay, trung bình cứ 3 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới thì có 1 doanh nghiệp giải thể.
Gói hỗ trợ trước mắt và chiến lược phát triển lâu dài
Thực trạng trên cho thấy, những khó khăn và rủi ro của nền kinh tế đang tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp cũng như chưa khích lệ tinh thần khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là nhận định chung được Ban IV đưa ra trên cơ sở khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp. Trong đó, 82,3% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm; 10,9% doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể; 12,4% tạm ngừng kinh doanh.
Cũng đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tú Anh cùng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách Việt Nam (VERP) đã nhấn mạnh đến những tác động bất lợi làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có tác động của môi trường lãi suất cho vay rất cao, ở mức hơn 10%, vượt quá “sức chịu đựng” của doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp hồi phục và phát triển, VERP khuyến nghị, Việt Nam cần chuyển đổi chiến lược tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ sang vốn rẻ mới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu (đầu tư chiến lược dài hạn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào kỹ năng hay các dự án mạo hiểm có thể mang đến cơ hội tạo đột phá cho nền kinh tế…). Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo chiều rộng (tăng về số lượng) và mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 mới có thể trở thành hiện thực.
Trong ngắn hạn, VERP cho rằng, các chính sách tài khoá đóng vai trò chủ đạo với việc tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tràn tích cực. Các chính sách hỗ trợ đầu cung theo ngành và doanh nghiệp cần đúng đối tượng, thiết thực hơn.
Hiện nay, các hỗ trợ thường thông qua giảm phí nhưng còn dàn trải, ít tạo tác động thực. Do vậy, Chính phủ cần hướng vào các doanh nghiệp có năng lực, có khả năng lan toả, đặc biệt tập trung vào hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Ngoài ra, VERP kỳ vọng gói giãn hoãn thuế, bao gồm giảm thuế VAT 2% sớm được thông qua và kéo dài thời gian thực hiện…