Gochang – vùng đất di sản của Hàn Quốc
Nằm ở phía Tây Nam của Hàn Quốc, Quận Gochang thuộc tỉnh Jeollabuk-do là một vùng đất với bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, hiện có 7 di sản được UNESCO công nhận.
Tỉnh Jeollabuk-do được coi là cái nôi của nhiều nền văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc và kiến trúc. Jeollabuk cũng là một vùng đất trù phú với những cánh đồng màu mỡ, những ngọn núi hùng vĩ và những bãi biển thơ mộng. Nơi đây mang đến cho du khách những trải nghiệm đa dạng, từ khám phá di tích lịch sử, văn hóa đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên.
Nằm trong tỉnh Jeollabuk, quận Gochang có hơn 51.000 dân, chủ yếu làm nghề nông lâm và ngư nghiệp (chiếm 35,8% cơ cấu dân số); 18,5% dân số làm nghề khai thác khoáng sản, sản xuất và xây dựng; các nghề khác chiếm 45,7%. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, địa phương này có 111 di sản, 15 thư viện, 9 trung tâm văn hóa, 60 trung tâm thể thao công cộng.
Ông Shim Deok-seop, Thống đốc quận Gochang cho biết: Chúng tôi mong muốn kết nối 7 di sản này nhưng hiện chúng được phân bố khá rải rác. Tôi nghe nói ở Việt Nam cũng có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Để tìm lĩnh vực có thể hợp tác với Gochang của chúng tôi, tôi cũng có kế hoạch sẽ tới Việt Nam công tác và tìm kiếm trong tương lai. Ngoài ra, nó cũng nằm trong kế hoạch tạo ra một số cửa sổ hợp tác với các cơ quan liên quan.
Du khách đến Gochang ngoài khám phá các di sản còn được gặp gỡ những người dân nhiệt tình, mến khách, được nếm thử ẩm thực từ nông sản địa phương như lươn Pungcheong nướng, quả mâm xôi, dưa gang, rong biển… Đó là “Một Gochang đầy sức sống nơi tất cả mọi người đều hạnh phúc”, đúng như tiêu chí của chính quyền quận nỗ lực xây dựng.
Dưới đây là những di sản được UNESCO công nhận của quận Gochang:
Mộ đá cổ thời tiền sử
Các điểm mộ đá được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 2000. Các mộ đá được xếp bởi những phiến đá lớn chồng lên nhau, là một trong những kiểu mộ đá phổ biến của thời kỳ tiền sử, khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Các mộ đá ở đây có nhiều kiểu dáng khác nhau: kiểu bàn, kiểu bàn cờ, kiểu buồng đá trên mặt đất và kiểu hở; bao phủ một phòng chôn cất trên mặt đất hoặc dưới lòng đất. Trên thế giới, rất khó tìm thấy những khu vực tập trung dày đặc các ngôi mộ đá có kết cấu chắc chắn và kiểu dáng phong phú như cụm di tích mộ đá ở Hàn Quốc.
Ngoài Gochang, các điểm mộ đá còn được phân bố ở quận Hwasun (tỉnh Nam Jeolla) và quận Ganghwa (thành phố Incheon); tuy nhiên mộ đá phân bố ở Gochang là dày đặc nhất với 447 ngôi mộ đá. Đây là một trong những di sản quan trọng, có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu cấu trúc xã hội thời đại đồ đồng và quá trình giao lưu văn hóa của con người thời tiền sử khu vực Đông Bắc Á.
Nghệ thuật kể chuyện âm nhạc Pansori
Pansori là một thể loại kể chuyện âm nhạc do một ca sĩ và một tay trống biểu diễn; được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003.
Pansori phổ biến bởi đặc trưng bởi giọng hát biểu cảm, lời nói cách điệu, một tiết mục kể chuyện và cử chỉ, bao gồm cả văn hóa tinh hoa và dân gian. Pansori có nguồn gốc từ phía tây nam Hàn Quốc vào thế kỷ XVII, có lẽ là một cách diễn đạt mới về các bài hát kể chuyện của các pháp sư. Đến cuối thế kỷ XIX, Pansori có được nội dung văn học tinh vi hơn và được giới thượng lưu thành thị ưa chuộng đáng kể. Các bối cảnh, nhân vật, tình huống tạo nên Pansori bắt nguồn từ Hàn Quốc thời Joseon (1392-1910). Các ca sĩ Pansori trải qua quá trình đào tạo lâu dài và nghiêm ngặt để thành thạo nhiều âm sắc giọng hát khác nhau và ghi nhớ các tiết mục phức tạp. Nhiều nghệ sĩ điêu luyện đã phát triển các phong cách diễn giải cá nhân và nổi tiếng với cách biểu diễn các tập cụ thể đặc biệt của họ.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Gochang
Toàn bộ khu vực Gochang-gun được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyến thế giới năm 2013. Vùng lõi khu dự trữ được bảo vệ chính gồm vùng đất ngập nước Gochang Buan Ramsar, vùng đất ngập nước Ungok Ramsar, công viên tỉnh Seonunsan, Di sản văn hóa thế giới Mộ đá, Khu bảo tồn động vật hoang dã hồ chứa Dongnim; các khu rừng, sông, đầm lầy muối và cồn cát xung quanh trong khu vực này đóng vai trò là vùng đệm; các vùng đất nông nghiệp khác và khu dân cư được coi là khu vực chuyển tiếp.
Bằng cách tham gia vào mạng lưới dự trữ sinh quyển toàn cầu, vị thế quốc tế của Gochang được nâng cao. UNESCO có kế hoạch khôi phục du lịch văn hóa và sinh thái; chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ và đồng hành tham gia của người dân. Thông qua đó, có kế hoạch khuyến khích người dân địa phương thông qua việc xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương (dưa hấu, lươn Pungcheon, bokbunja, dâu tằm, đậu phộng, muối tre…), góp phần phát triển kinh tế, tạo doanh thu.
Nhạc truyền thống Nongak
Nhạc truyền thống Nongak của Hàn Quốc là loại hình nghệ thuật phường nhạc hoặc gánh diễn nông dân; được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể năm 2014.
Nongak thường được chơi vào các dịp lễ để tăng hứng thú làm công việc đồng áng, qua đó tăng năng suất lao động, xua tan những nhọc nhằn và gắn kết tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nông dân.
Nongak kết hợp nhiều loại hình nhạc cụ như bộ gõ Samulnori với trống Buk, phèng Kkwaenggwari, trống phong yêu Janggu và chiêng Jing, luôn tạo nên một bầu không khí sôi động, khiến những người đứng xem xung quanh cũng phải vỗ tay nhún nhảy. Các diễn viên múa kiêm nhạc công lúc thì tản ra, lúc thì chụm lại, di chuyển linh hoạt theo tiết tấu nhanh chậm của giai điệu. Và cứ đến đoạn cao trào, khi tiếng trống cùng các nhạc cụ khác đồng thanh đánh liên hồi, dồn dập thì khán giả cũng đồng loạt reo hò, vỗ tay tán thưởng. Nongak mang âm hưởng và hơi thở của dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử của Hàn Quốc; được UNESCO đã đánh giá cao tính nối kết cộng đồng và khả năng khơi dậy bầu không khí lạc quan, tích cực.
Bãi bùn Gochang
Bãi bùn Gochang được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 2021 bởi giá trị phổ quát nổi bật từ các quan điểm khoa học, bảo tồn và vẻ đẹp tự nhiên thông qua việc bảo vệ thiên nhiên như môi trường sống của các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Cùng với Gochang, 3 bãi bùn khác của Hàn Quốc cũng được được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới lần này là Seocheon ở quận Seocheon-gun, tỉnh Chungcheongnam-do; Sinan Getbol ở quận Sinan-gun, tỉnh Jeollanam-do và Boseong-Suncheon ở quận Boseong-gun và thành phố Suncheon, tỉnh Jeollanam-do. Các bãi bùn trước khi được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới đã được chính quyền các địa phương của Hàn Quốc chỉ định là khu bảo tồn vùng đất ngập nước. Đồng thời được coi là một “kho bảo vật” có môi trường sống của các loài quý hiếm bao gồm 22 loài chim nước có nguy cơ tuyệt chủng như chim mò sò, hạc trắng Á Đông và sếu mào cũng như 5 loài động vật không xương sống ở biển.
Công viên địa chất toàn cầu Jeonbuk
Năm 2023, Công viên Địa chất Quốc gia Bờ Tây Jeonbuk (tỉnh Jeollabuk-do) đã được UNESCO công nhận là một công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất toàn cầu Jeonbuk trải dài 1.892 km² từ quận Buan-gun đến quận Gochang-gun; nằm giữa Hoàng Hải rộng lớn và bãi bùn trải dài. Nơi này bao gồm 32 địa điểm địa chất tuyệt đẹp, chẳng hạn như núi Seonunsan, sông Chaeseokgang và đảo Solseom; bao gồm cả các khu vực Seonunsan, Byeongbawi, Ungok Ramsar Wetland, các điểm mộ đá Dolmen, Myeongsasimni, các bãi bùn Gochang…
Công viên địa chất toàn cầu Jeonbuk là công viên địa chất thứ năm của Hàn Quốc lọt vào danh sách công viên địa chất toàn cầu của UNESCO và là công viên địa chất ven biển đầu tiên của Hàn Quốc được UNESCO công nhận. Nơi đây được coi là một địa điểm tự nhiên tối ưu để quan sát quá trình phát triển địa chất, vì có những tảng đá núi lửa từ kỷ Phấn Trắng của Đại Trung sinh cũng như các tảng đá và trầm tích từ Liên đại Nguyên sinh đến Kỷ Đệ Tứ.
Di sản tư liệu thế giới sổ ghi chép lại cuộc cách mạng nông dân Donghak
Tư liệu cuộc khởi nghĩa nông dân Donghak của Hàn Quốc là tư liệu quan trọng cho thấy giai đoạn chuyển biến sang cận đại của xã hội Hàn Quốc. Tư liệu bao gồm 185 tài liệu ghi chép về việc người dân thường và Đại sứ quán Nhật Bản đã tham gia trấn áp quân đội nông dân Donghak và Chính phủ trong khoảng thời gian từ năm 1894-1895. Năm 2023, tư liệu này đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Cùng thời gian, tư liệu về cuộc cách mạng 19/4/1960 của Hàn Quốc cũng được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Theo Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc, cuộc khởi nghĩa nông dân Donghak còn được gọi là “chiến tranh nông dân Giáp Ngọ”, được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo Jeon Bong-jun thuộc đạo Donghak, một tôn giáo của công chúng. Cuộc khởi nghĩa nhằm phản đối chế độ phong kiến và chống lại bè lũ quan lại thối nát cùng thực dân Nhật đang dòm ngó đất nước. Đây là cuộc đấu tranh gây ảnh hưởng lớn đến Phong trào kháng Nhật giành độc lập 1/3/1919.
Lê Quân