“Góc khuất” đấu giá đất (Kỳ V): Khi đất đai thành công cụ cho cuộc chơi tài chính
Những “cơn sóng” cổ phiếu bất động sản đã khiến giới đầu tư chứng khoán đuổi theo như những con thiêu thân, và kết cục bị thiệt hại nặng nề khi “chuyến tàu” quay về bờ.
Đến hiện tại, 3 nhà đầu tư còn lại của vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa đóng tiền trúng đấu giá, những thông tin đồn đoán về việc Công ty Bình Minh – đơn vị trúng đấu giá lô 3-9 không thực hiện dự án đã khiến cổ phiếu bất động sản tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch sáng 9/2.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đa số chìm trong sắc đỏ và thậm chí có nhiều mã bị giảm sàn như CII, CEO, DIG, DRH, LDG, NBB… Những mã khác như FLC, ROS, KLF, HAI, AGG, DXS, HDC, HDG… cũng đều chịu cảnh sụt giảm từ đầu phiên giao dịch.
ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU BẤT ĐỘNG SẢN BẰNG “NIỀM TIN”
Nhìn lại biến động của cổ phiếu bất động sản từ sau vụ đấu giá kỷ lục tại Thủ Thiêm, không khỏi nhận ra rằng niềm tin vào thị trường được nâng lên và sau đó là tiên tiếp các “đợt sóng” được các đội lái tích cực đẩy. Mặc dù không có sự chuyển biến về tình hình kinh doanh, song nhiều mã cổ phiếu địa ốc đã phi mã.
Trong đó có thể kể đến như cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai giao dịch quanh mức 6.600 đồng/cổ phiếu trong tháng 10/2021, sau phiên đấu giá đất trên đã lập đỉnh với mức 17.850 đồng.
Hay như cổ phiếu DIG của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng trong hơn 1 tháng đã tăng gấp đôi, mặc dù 9 tháng đầu năm 2021, DIG chỉ đạt 35% kế hoạch doanh thu và vỏn vẹn 6% mục tiêu lợi nhuận.
Và đặc biệt nhất là cổ phiếu CII – Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Cổ phiếu này đã liên tiếp tăng trần sau khi Tân Hoàng Minh trúng lô đất đấu giá tại Thủ Thiêm mang ký hiệu 3-12 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (lô đất này thuộc CII quản lý).
Cổ phiếu doanh nghiệp này đã tăng từ vùng giá 28.000 đồng lên đỉnh điểm vào ngày 07/01/2022 là 57.900 đồng/cp, tăng hơn gấp đôi trong vòng 1 tháng qua. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết của CII.
Đáng chú ý, sau khi lãi đậm trên TTCK, CII cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 44,3 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian từ ngày 24/1 đến ngày 22/2, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Tạm tính theo thị giá của CII, công ty này có thể thu về hơn 2.100 tỷ đồng nếu bán hết số lượng cổ phiếu đã đăng ký. Như vậy, công ty này có thể lãi đến hơn 1.100 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ.
Thế nhưng, ghi nhận cuối phiên giao dịch 8/2, cổ phiếu CII chỉ còn giá 27.250 đồng/cp, bằng 1 nửa so với thời điểm lập đỉnh. Nếu tính từ vùng đỉnh cổ phiếu CII thì nhiều nhà đầu tư đã âm vào tài sản ròng tức mất giá 55,9% chỉ trong vòng hơn nửa tháng. Đầu tư 2 tỷ đồng lỗ ngay 1 tỷ đồng trong nửa tháng, nếu nhà đầu tư dùng margin thì cháy sạch tài khoản.
CHỐNG THỔI GIÁ, TRỤC LỢI ĐẤU GIÁ ĐẤT
Cho đến thời điểm này, trước mất mát quá lớn của nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều người đang tập hợp danh sách kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan thanh tra, cơ quan công an… đề nghị điều tra hành vi có hay không việc thao túng cổ phiếu.
Thực tế, hiện tại không ít nhà đầu tư và chuyên gia vẫn có đánh giá lạc quan về nhóm cổ phiếu địa ốc. Nhóm nhà đầu tư F0 vẫn đặt niềm tin thị trường bất động sản khi hạ tầng phát triển đến đâu giá đất tăng đến đó, khi giá đất tăng lên đương nhiên tài sản công ty cũng sẽ tăng vọt do giá vốn không đổi, đẩy giá cổ phiếu tăng cao.
Song, trước tình trạng đẩy giá tại các cuộc đấu giá đất, báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra cùng vào cuộc để rà soát lại các cuộc đấu giá.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để bảo đảm an toàn tín dụng. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng quy định thống nhất hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng thời, bổ sung quy định về số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá, đồng thời quy định rõ thời hạn người, tổ chức trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, “thổi giá” đất.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn