Gỡ khó cho xuất khẩu
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải đối diện với nhiều khó khăn do những bất ổn khó đoán định về kinh tế thế giới, số lượng đơn hàng và kim ngạch sụt giảm mạnh.
Nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm tới 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thủy sản, theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản giảm tới 27,5% trong quý I – tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
Dệt may – ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang đối diện với những thách thức chưa từng có từ sự suy giảm đơn hàng từ các thị trường truyền thống như EU, Mỹ…, giá nhiên liệu và logistic tăng cao. 3 tháng đầu năm, dệt may ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành da giày cũng không thoát khỏi vòng xoáy khó khăn do suy giảm đơn hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm nghiêm trọng, phổ biến từ 50% đến 70% tỷ lệ đơn hàng, song song với đó nhu cầu trong nước cũng có dấu hiệu suy giảm, dẫn đến doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành giảm mạnh. Theo đại diện Hội hội Da giày Việt Nam (Lefaso), hàng tram doanh nghiệp đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, chỉ còn làm 4 ngày đến 5 ngày/tuần và cắt giảm dây chuyền, quy mô sản xuất, thậm chí có doanh nghiệp còn cho công nhân nghỉ việc cả tháng, cắt giảm tiền lương, thưởng…
Xoay xở vượt khó
Không chỉ các doanh nghiệp thủy sán, dệt may, da giày, hàng vạn doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng khác cũng đang đối mặt với tình trạng khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia, đại diện bộ ngành và doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để nhanh chóng cải thiện tình hình.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chú trọng làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng thông qua việc tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa Thương vụ Việt Nam với Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lớn trong nước. Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng, liên thông, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời cần tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới nhất là chính sách và động thái chính sách mới của các nước lớn, các nước có tầm ảnh hưởng…. để tham mưu, tư vấn, phản ứng chính sách phù hợp…
Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đề xuất, cần có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động, bên cạnh đó tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua hệ thống Tham tán thương mại. Thị trường trọng điểm là tập trung vào quốc gia trong khối CPTPP và EU – những nơi mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cũng đề xuất các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, bám sát thông tin thị trường từ các bộ, ngành liên quan để nắm bắt được các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng phát triển.
Để tăng khả năng thu hút đơn hàng, tăng cường xuất khẩu, giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất là tập trung khai mở các thị trường mới, giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để ký các FTA với Israel, đẩy nhanh tiến độ đàm phán với UAE để vào thị trường Trung Đông và biến các FTA này thành động lực để khai thác thị trường Châu Mỹ La tinh (bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay…).
Về đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Bộ Công Thương sẽ tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA. Song song với đó sẽ đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các bộ ban ngành cần chú trọng phối hợp, hỗ trợ các địa phương (có vùng trồng, vùng nuôi) hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện tốt đề án “xuất khẩu chính ngạch”, gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để củng cố, phát triển thị trường trong nước với 100 triệu người tiêu dùng.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)