“Giữ việc” cho người lao động

Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) dự báo, thời gian tới, người lao động sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất việc, giảm giờ làm.
Lĩnh vực chịu nhiều rủi ro bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm, y tế, du lịch…
“Giữ việc” cho người lao động
Trao đổi với DĐDN, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI cho rằng, lúc này Nhà nước cần kịp thời có chính sách giúp doanh nghiệp “giữ chân”, giữ việc cho lao động.
– Thưa bà, tình trạng lao động buộc phải nghỉ việc do doanh nghiệp cắt giảm sản lượng, “khát” đơn hàng ngày càng trầm trọng những tháng cuối năm?
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, tình trạng lao động phải thôi việc những tháng cuối năm chỉ là hiện tượng cục bộ, nhưng do diễn ra ở một số ngành, doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, những lao động phổ thông do đó tạo hiệu ứng thiếu tích cực.
Cụ thể, do biến động của tình hình thế giới như vấn đề lạm phát, xung đột Nga – Ukraine… khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày sụt giảm 20-30% đơn hàng; dệt may 25 – 30%; chế biến gỗ 70%; công nghiệp phụ trợ 50%… Một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực kể trên đã có thông báo hoặc kế hoạch dự kiến cắt giảm công nhân khiến gần nửa triệu lao động bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó có những doanh nghiệp đã ngừng tăng ca, giảm giờ làm, cắt phép năm cho người lao động.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 11, hơn 472.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc. Trong đó, hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.
– Vậy, VCCI có đề xuất nào để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh này, thưa bà?
Chúng tôi cho rằng, lúc này Nhà nước cần tạo cầu nối, minh bạch thông tin, có chính sách tạo liên kết giữa các doanh nghiệp trong thị trường lao động, giúp những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động có thể tiếp cận được nguồn lao động từ những doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lao động do bị tác động bởi việc sụt giảm đơn hàng trong giai đoạn này.
“Giữ việc” cho người lao động
Hỗ trợ người lao động tại Công ty Tae Kwang Vina, Đồng Nai.
Đặc biệt, có chính sách giúp những doanh nghiệp với các thủ tục đơn giản và kịp thời như đa dạng hóa nguồn tín dụng, nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận; hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp duy trì đội ngũ và lực lượng lao động (vay trả lương cho người lao động); Xem xét miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng BHXH để doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng là giữ việc cho công nhân.
Các ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp tuyên truyền cho người lao động hiểu tình hình thế giới làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp để người lao động thấu hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp, phòng ngừa các tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh với chúng tôi về kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới rộng tín dụng để doanh nghiệp được vay vốn nhằm chăm lo cho lao động. Đồng thời, Chính phủ nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, bình ổn giá xăng dầu, điện để sản xuất được ổn định. Thống kê hồi cuối tháng 8 cho thấy tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ rất thấp, chỉ hơn 4.400 trên quy mô 40.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp chưa tiếp cận được khi gặp khó về thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan Nhà nước.

– Thưa bà, bên cạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp trên, đây cũng là thời điểm cần các gói hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại cho lao động, nâng cao tay nghề?

Điều này là rất cần thiết, chúng tôi cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp, đây là thời điểm phù hợp để đẩy mạnh công tác đào tạo lao động sau thời gian 2 năm đại dịch Covid-19 với những đòi hỏi đã thay đổi của thị trường lao động.

Tại Hội nghị Người sử dụng lao động 2022 do VCCI tổ chức mới đây, các chuyên gia của các Bộ ngành, chuyên gia quốc tế, WB và các doanh nghiệp cùng cho rằng, những điều kiện “khắt khe” và thủ tục hành chính “rườm rà” khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Chúng tôi khuyến nghị cần đơn giản hoá quy trình, tăng cường nhận thức về các văn bản chính sách hỗ trợ. Tạo động lực cho cả doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, tạo mối liên kết hợp tác giữa các bên phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Từ các bài học của các quốc gia khác, chúng tôi cũng khuyến nghị, cần dành kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng cho người lao động. Theo đó, mô hình hệ thống đào tạo hướng tới thị trường cạnh tranh. Tạo sân chơi bình đẳng cho lao động và doanh nghiệp, tạo thực tiễn tốt nhất để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận cơ sở đào tạo hiệu quả với chi phí tốt nhất.

Thực hiện nhiệm vụ đã được quy định tại Điều 7 Luật Giáo dục nghề nghiệp “VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo nghề nghiệp, tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp”.

Chính vì vậy, những năm vừa qua, VCCI đã tham gia chặt chẽ với các bên để tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, các Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp, Đề án nâng tầm kỹ năng nghề cũng như một số hoạt động hỗ trợ cụ thể ở cấp địa phương và doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, có thể thành lập Hội đồng kỹ năng ở nhiều cấp độ khác nhau gồm sự tham gia của các cơ quan quốc gia, địa phương, VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp, công đoàn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với vai trò là cơ quan tư vấn.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/giu-viec-cho-nguoi-lao-dong-236256.html

Bài Viết Liên Quan

Back to top button