Giảm tải chương trình học: Bớt hô khẩu hiệu, hãy hành động!

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, khối lượng bài tập và chuẩn bị bài ở khối tiểu học vẫn nhiều.

Mặc dù, ngành giáo dục đã có yêu cầu các nhà trường thu gọn chương trình, thiết kế lại bài giảng cho phù hợp với việc học online, giảm bớt số tiết học, tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, khối lượng bài tập và chuẩn bị bài vẫn tăng, khiến áp lực vẫn cao.

Giảm tải chương trình học: Bớt hô khẩu hiệu, hãy hành động!

Học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Phạm Tu, Thanh Trì, Hà Nội, đi học trở lại sáng ngày 10/2

Điệp khúc “cải cách”, “giảm tải chương trình” cho học sinh tiểu học diễn ra mấy năm nay. Năm nào các lãnh đạo ngành giáo dục cũng phổ biến, thế nhưng giảm tải đâu không thấy, chỉ học sinh cấp tiểu học vẫn phải sắm nhiều sách vở, khối lượng bài tập vẫn nhiều…

Trong khi, dù học trực tuyến hay trực tiếp thì các em học cả ngày khá mệt rồi, không nên cho thêm bài tập về nhà khiến các em bị quá tải. Thông thường, giáo viên trong trường chỉ cho thêm bài về nhà đối với những em có học lực giỏi, còn các em học lực trung bình thì làm bài tập vào buổi chiều. Trong buổi chiều là làm xong bài, nếu chưa hiểu cô giáo sẽ chỉ dẫn thêm

Thực trạng học hành căng thẳng kéo dài dẫn đến những hệ lụy, các em không có thời gian vui chơi, giải trí để các em có một tuổi thơ thật đẹp, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm sinh lý của lứa tuổi này.

Nói theo ngôn ngữ khoa học giáo dục thì chương trình hiện tại vẫn chưa đảm bảo sự cân đối giữa dạy chữ và dạy người, còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho học sinh.

Theo một số chuyên gia giáo dục, chương trình và các môn học cấp tiểu học đã bám sát mục tiêu giáo dục, đã chú ý tới giáo dục toàn diện cho học sinh, đảm bảo được tính chính xác, khoa học, hiện đại, cập nhật và tiếp cận được trình độ giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực…

Tuy nhiên, sách giáo khoa tiểu học còn nặng và khó. Một số chương trình của lớp trên được đưa xuống lớp dưới để dạy học khiến học sinh còn gặp khó khăn. Theo đó, nếu muốn giảm tải cho học sinh, trước hết cần có một chương trình gọn, nhẹ, dễ hiểu để học sinh dễ dàng theo kịp. Đó mới thực sự giảm được áp lực cho học sinh, chứ không đơn thuần là lấy cấm đoán để nhằm mục đích giảm tải.

Mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo mới đối với ngành giáo dục: “Phải giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để “mỗi ngày tới trường là một ngày vui””.

Giảm tải chương trình học: Bớt hô khẩu hiệu, hãy hành động!

Phải làm sao để mỗi ngày tới trường là một ngày vui?

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm: “Trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng chúng ta chăm sóc, bảo vệ tốt nhất trẻ em không chỉ vì tương lai của đất nước mà còn hơn thế nữa. Ấm no, hạnh phúc của mỗi trẻ em, của mỗi người dân là mục đích tự thân, mục đích cuối cùng trong sự nghiệp của chúng ta”.

Có thể thấy, mục tiêu của giáo dục là lấy người học làm trung tâm, giúp họ phát triển toàn diện năng lực và tố chất để ngày càng hoàn thiện nhân cách, trở thành những con người hữu ích cho xã hội.

Cho nên, quan điểm của Thủ tướng thật sâu sắc và nhân văn khi quan tâm đến mầm non của đất nước. Muốn vậy, ngành giáo dục phải tiên phong trong việc tạo môi trường học tập nhẹ nhàng hơn, giảm lý thuyết, chú trọng dạy các kỹ năng để các em có điều kiện phát triển thể chất, trí tuệ.

Nói đến đây, người viết nhớ đến một chủ trương khá nhân văn mà ngành giáo dục từng làm, nhưng có lẽ chưa “đến nơi đến chốn” đó là xây dựng  “Trường học hạnh phúc”.

“Trường học hạnh phúc” có thể hiểu là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Trường học phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức.

Bên cạnh truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò phải luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu.

Qua đó, nhiệm vụ của thầy cô giáo không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường của mình trở thành một nơi thú vị.

Giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ có tri thức, trí tuệ, nhân cách – đó là một mục tiêu mà tất cả chúng ta đều hướng đến vì tương lai của học sinh. Đó cũng là trách nhiệm của thế hệ đi trước, của cả cộng đồng, và sứ mệnh của người thầy lại càng trở lên thiêng liêng vào cao cả hơn bao giờ hết.

Nói rộng hơn một chút, trong Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ cần xác định các mục tiêu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung trọng tâm của mục tiêu xã hội”.

Như vậy, trẻ em phải được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực để đất nước phát triển và hội nhập, góp phần đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Điều này cũng có nghĩa, chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hợp tình hợp lý. Vì trẻ em chính là chủ nhân, tương lai của đất nước. Vậy thì các cơ quan có trách nhiệm hãy hành động thực chất đi, đừng chỉ nói và phát biểu không thôi.

Nguồn: Diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button