Giải phóng sức mạnh kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân đang rất cần chính sách mới để phát triển, đây chính là đòn bẩy giúp “khai phóng” tiềm lực dồi dào.
Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”. Với cách tiếp cận mới, đây thực sự là những nội dung mang tầm chiến lược để “tháo gỡ” các rào cản, mở đường “cao tốc” đưa kinh tế tư nhân trở thành một trong 3 chân kiềng quan trọng góp phần hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo để tiếp tục cho ý kiến, hoàn thiện thêm một bước dự thảo Đề án phát triển kinh tế tư nhân để chuẩn bị trình Bộ Chính trị.
Sức mạnh kinh tế tư nhân
Cho đến nay, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế với những con số rất ấn tượng: chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính tới năm 2025, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 7 triệu doanh nhân, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách Nhà nước, gần 60% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước.

Kinh tế tư nhân đã và đang có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp to lớn vào tổng thu ngân sách Nhà nước. Mặc dù kinh tế tư nhân đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế Việt Nam, thế nhưng phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đây đó vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Điển hình như trên địa bàn của TP Hồ Chí Minh có khoảng 400.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân hiện vẫn còn thiếu và yếu; trong đó, đặc biệt là các chính sách quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, để các cơ sở này nâng lên thành doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Trước tiên, cần có chính sách miễn, giảm thuế trong 1 – 2 năm đầu khi các cơ sở chuyển đổi thành doanh nghiệp, đơn giản hóa tất cả thủ tục về thuế, hỗ trợ họ khai báo thuế theo hình thức kinh tế số, dễ dàng tiếp cận tín dụng, ngân hàng.
Theo GS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Quốc gia Singapore, kinh tế tư nhân đang nhiều hạn chế về thể chế, nhiều quy định hiện hành không tạo điều kiện cho phát triển, khiến nền kinh tế tư nhân khó có bước đột phá. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh cần rà soát các điểm nghẽn trong từng ngành, từ đó tạo đột phá tương tự như khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp trước đây. TP Hồ Chí Minh cần rà soát các điểm nghẽn trong từng ngành, từ đó tạo đột phá tương tự như khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp trước đây.
Thành phố nên lập bản đồ cải biến các ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng đột phá, nâng cao năng suất, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, sáng tạo và hội nhập quốc tế. Để khai phá tiềm năng kinh tế to lớn, TP Hồ Chí Minh nên cử một nhóm chuyên gia, phối hợp cùng các cơ quan trung ương, sang Singapore học hỏi kinh nghiệm quản lý. Nếu học theo Singapore, đầu tư những khoản hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, có thể mở ra cánh cửa cho hàng tỷ USD lợi nhuận.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn thúc đẩy kinh tế tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp tiên phong cần có thêm nhiều ý kiến đóng góp vào nghị quyết phát triển doanh nghiệp, quan trọng nhất là cần xây dựng một hệ thống thể chế mới, cần có bổ sung, điều chỉnh thêm để phù hợp với bối cảnh mới.
Đòn bẩy đẩy kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân đang rất cần chính sách mới để phát triển, đây chính là đòn bẩy giúp “khai phóng” tiềm lực dồi dào. Kinh tế tư nhân muốn có chính sách mới để phát triển thì Nhà nước cần mở rộng con đường thể chế .
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng để kinh tế tư nhân bứt phá, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi khuyến khích hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể đang đăng ký nộp thuế khoán thành lập doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ như miễn thuế từ 3-5 năm khi thành lập doanh nghiệp sẽ giúp nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn cho ngân sách nhà nước; hay giúp các hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp về hồ sơ, thủ tục, sổ sách kế toán, kết nối với doanh nghiệp lớn để tạo thành chuỗi trong sản xuất.
Theo kiến nghị của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, Nhà nước cần có chính sách cho các doanh nghiệp đầu ngành. Vừa qua, các tổng công ty nhà nước dù mạnh nhưng rất khó khi chuyển sang cơ chế thị trường, không giữ được cán bộ giỏi do chính sách tiền lương hạn chế, dẫn đến khó phát triển. Minh chứng là doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhà khoa học vì khó chứng minh hiệu quả công việc so với các nhóm lao động khác. Doanh nghiệp cũng phải “lách” để có thể thực hiện được việc này.
Như lời Tổng Bí Thư Tô Lâm, phải giải phóng tối đa các nguồn lực phát triển cho kinh tế tư nhân, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực quan trọng như vốn, đất đai, nhân lực, công nghệ. Để kinh tế tư nhân hội nhập sâu rộng hơn nữa vào kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế rất cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn để kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực một cách thuận lợi, công bằng, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả.
Minh Đăng – Diễn đàn Doanh nghiệp