Giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn

Phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, chuyển đổi số, nâng hạng chỉ số về môi trường kinh doanh… là những giải pháp trọng tâm Hà Nội đã và đang thực hiện để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn
Trong tháng 01/2023, TP. Hà Nội thu hút 21,8 triệu USD vốn FDI – Ảnh: VGP/GH

Phấn đấu thu hút 30 – 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Hà Nội luôn là địa phương trong nhóm dẫn đầu về thu hút đầu tư những năm qua. Xác định thu hút vốn đầu tư cho phát triển là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2013, Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa.

Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), TP.Hà Nội đang là một trong những địa phương hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ và Thủ đô Hà Nội đang có sự thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 30 – 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 01/2023, TP. Hà Nội thu hút 21,8 triệu USD vốn FDI, trong đó: 22 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,4 triệu USD; 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với vốn bổ sung là 14,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu 23 lượt, đạt 5,2 triệu USD.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, năm 2023, Hà Nội tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

Trước bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố để tạo nguồn lực từ thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển.

Một trong các mục tiêu quan trọng là thúc đẩy tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao thứ hạng các chỉ số cạnh tranh…

Giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn
Công chức bộ phận Một cửa tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho doanh nghiệp – Ảnh: VGP/Minh Anh

Nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh, chuyển đổi số

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong vòng 3 năm trở lại đây, Thành phố Hà Nội đã có bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao các chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của quản trị, hành chính, mức độ cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh (ĐTKD).

Cụ thể, từ mức chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Hà Nội năm 2019 có tổng điểm là 41,54; xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 đạt 41,629 điểm, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố và năm 2021, chỉ số này của Hà Nội đạt 44,45 điểm, xếp thứ 9 của cả nước và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp cao nhất.

Những con số đó thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Một trong những giải pháp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của Hà Nội là chuyển đổi số. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, chính quyền số tại Hà Nội từng bước được triển khai; hạ tầng số bảo đảm điều kiện phục vụ các nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác.

Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng đạt 90%.

Trong năm 2023, Thành phố triển khai 3 hệ thống quan trọng là hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp (còn gọi là phần mềm “Một cửa”); phần mềm quản lý văn bản; phần mềm quản lý đảng viên.

Đầu tháng 2/2023, Hà Nội chính thức khai trương hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung TP. Hà Nội. Tại sự kiện quan trọng này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, với việc sớm đưa vào vận hành hệ thống dùng chung đã thể hiện rõ quyết tâm của Hà Nội trong việc thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.

Ứng dụng này sẽ tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, bảo đảm hoạt động của chính quyền công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực để công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền Thành phố được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số. 

Giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 tại địa bàn quận Hà Đông – Ảnh: VGP/GH

Tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút đầu tư có hiệu quả thì Hà Nội phải xử lý thật tốt hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghiệp. Bên cạnh đó, cần gắn các hoạt động đầu tư với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Cụ thể như công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; hoạt động nghiên cứu và phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Thành phố đã ra quyết định phê duyệt “Đề án thành lập từ 2 đến 5 khu công nghiệp (KCN) mới giai đoạn 2021-2025”. Các KCN dự kiến được thành lập gồm: KCN Sóc Sơn; KCN Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín; KCN Phú Nghĩa mở rộng; KCN Phụng Hiệp. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 10 KCN đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,42 ha; trong đó, có 9 KCN với diện tích 1.270,5 ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Đến nay, các KCN đã thu hút được 711 dự án đang hoạt động. Trong đó có 307 dự án FDI với vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 166.000 lao động với thu nhập ổn định. Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN…

Đối với việc triển khai cụm công nghiệp (CCN), tính đến tháng 9/2022, Thành phố đã và đang triển khai thực hiện 105 CCN với tổng diện tích 2.344 ha (bình quân 22 ha/cụm) và phân bố tại 19 quận, huyện, thị xã.

Để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN theo kế hoạch, vừa qua Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đề nghị Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện rà soát, lập phương án phát triển các KCN, CCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Dự án này có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa. Từ đó tạo ra động lực có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, TP. Hà Nội định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh việc thúc đẩy hạ tầng các khu công nghiệp, các chính sách thu hút đầu tư cũng được Thành phố thường xuyên triển khai như cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, đất đai… nhằm thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhiều nước đến Thành phố.

Thành phố Hà Nội cũng xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô. Để tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, Hà Nội đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cũng đang thực hiện theo kế hoạch. Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội của Chính phủ để đồng bộ các giải pháp, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu năm 2023 của Thành phố về thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Nguồn: chinhphu.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button