Giải bài toán thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam

Khách Ấn Độ đến Việt Nam được dự đoán tăng ít nhất 1.000%. Nhưng để sẵn sàng phục vụ thị trường tiềm năng này, ngành du lịch cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023 thị trường khách du lịch Ấn Độ có sự tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 141 nghìn lượt khách, đứng thứ 10 trong số các thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam dự báo cả năm 2023, Việt Nam có thể đón được 500 nghìn lượt khách du lịch Ấn Độ.

Du khách Ấn Độ chọn tới Việt Nam với nhiều lý do, trong đó, Việt Nam là một điểm đến có mức chi tiêu rẻ hơn so với một số nước Đông Nam Á khác.

Một chuyến du lịch đến Việt Nam rẻ hơn ít nhất 10-15%. Cùng số tiền du khách Ấn Độ chi tiêu ở Indonesia hoặc Thái Lan, họ sẽ nhận được dịch vụ tốt hơn ở Việt Nam. Theo tờ Deccan Herald, khách du lịch từ Bangalore (Ấn Độ) đang ngày càng quan tâm tới Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá con số trên còn rất khiêm tốn, khi lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số người du lịch nước ngoài của quốc gia này.

Giải bài toán thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam dự báo cả năm 2023, Việt Nam có thể đón được 500 nghìn lượt khách du lịch Ấn Độ.

“Việc linh hoạt xác định các thị trường trọng điểm là điều rất quan trọng đối với ngành du lịch. Đặc biệt là thị trường Ấn Độ còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển”, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam”.

Bà Thanh Hoa phân tích thị trường Ấn Độ có những đặc điểm riêng về văn hóa, sở thích, thị hiếu… “Chúng tôi đã tổ chức khảo sát các điểm đến thu hút khách Ấn Độ như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… Qua chia sẻ, trao đổi với các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý, chúng tôi ghi nhận rất nhiều bất cập về nhân lực, sản phẩm, phương thức tiếp cận thị trường”.

PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra vấn đề về đáp ứng nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn chưa tận dụng thị trường khách du lịch Ấn Độ một cách hiệu quả.

“Cho đến nay, mặc dù khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam ngày càng tăng, song chưa có thống kê cụ thể và đầy đủ về nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch Ấn Độ. Các con số thống kế được chủ yếu liên quan tới đội ngũ hướng dẫn viên du lịch”, ông Long nói.

Tính đến tháng 11.2022 trong tổng số 19.789 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, có 10.903 sử dụng tiếng Anh, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Cập nhật trên cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch đến tháng 8.2023, chưa có hướng dẫn viên sử dụng tiếng Hindi (dù trên thực tế có thể có hướng dẫn viên nói tiếng Hindi).

Vì vậy với mục tiêu tập trung khai thác và phát triển thị trường khách du lịch Ấn Độ sẽ là một hạn chế lớn. Ông dẫn chứng, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam chủ yếu được hướng dẫn bởi HDV tiếng Anh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng du khách Ấn Độ đến Việt Nam năm 2022 đạt 137.900 lượt, xếp thứ 9/10 thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất, tốc độ tăng trưởng khách đạt bình quân 45%/tháng.

“Như vậy tính trung bình tỷ lệ giữa hướng dẫn viên và khách du lịch là 1/14, tuy nhiên đặt trong trường hợp tất cả các hướng dẫn viên tiếng Anh phục vụ toàn bộ khách du lịch Ấn Độ và không kể đến các thị trường gửi khách khác, vì vậy điều này không có tính khả thi cao và dẫn tới bất cập”.

Ông Vũ Văn Tuyên Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam khẳng định, khách Ấn Độ “vô cùng khó tính nhưng cũng vô cùng tiềm năng”. Với kinh nghiệm khai thác thị trường này vài năm trở lại đây, ông Tuyên đánh giá đội ngũ sales và marketing ban đầu gặp rất nhiều thách thức do khác biệt văn hóa.

“Người Ấn Độ chưa rõ ràng về mục đích chuyến đi. Ví dụ, khi tham khảo thông tin tour, khách Ấn ban đầu nói muốn đi Mekong, sau chuyển thành Tây Bắc, Đông Bắc. Giao dịch hàng chục ngày vẫn không biết khách muốn đi biển hay đi núi”, ông bày tỏ.

Bên cạnh đó là khó khăn về hệ thống dữ liệu những khách sạn có thể đón khách Ấn Độ, bởi không ít cơ sở ngại phục vụ thị trường này do những khác biệt về văn hóa. Khó khăn tiếp theo là tiếp cận hệ thống nhà hàng phục vụ khách Ấn Độ.

“Ấn Độ được kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn với những vị khách “sộp” có thói quen chi tiêu rất bạo. Tuy nhiên số nhà hàng Ấn Độ tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh mới chỉ trên đầu ngón tay, cần mở thêm các nhà hàng ít nhất là trên các tuyến điểm khách Ấn Độ hay lưu đến. Đặc biệt các nhà hàng Ấn Độ trên địa bàn những thành phố lớn được chứng nhận Halal để phục vụ khách Ấn Độ càng hiếm hơn nữa đang là trở ngại lớn”, ông Tuyên nói.

Giải bài toán thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam

Ấn Độ được kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn cho du lịch Việt Nam.

Do đó, chủ doanh nghiệp này đề xuất ITDR có thể thông qua “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” để lập ra đề án mới nhằm xây dựng cẩm nang hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; xây dựng hệ thống dữ liệu về nhà hàng và khách sạn phục vụ khách Ấn Độ, nghiên cứu văn hóa Ấn Độ theo vùng miền để xác định những điểm đến tiềm năng của Việt Nam.

Tổng hợp các ý kiến, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhấn mạnh ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu thị trường rất kỹ về các phân khúc; hiểu biết về văn hóa và phong tục của Ấn Độ để thiết kế ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần giải pháp hành động, định vị hình ảnh điểm đến đáp ứng nhu cầu của thị trường Ấn Độ; quảng bá xúc tiến phù hợp; đưa ra chính sách thu hút về visa và phát triển dịch vụ, hoạt động kinh tế đêm.

Đồng thời, cần có giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng cách tiếp cận thị trường, phát triển nguồn nhân lực; liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch với các đơn vị cung cấp sản phẩm, giữa các quốc gia trong khu vực để tạo nên những sản phẩm 3 quốc gia hay 5 quốc gia 1 điểm đến dành cho khách Ấn Độ…

Bài Viết Liên Quan

Back to top button