Giá trị mới của gạo Việt

15 tấn gạo hữu cơ từ tỉnh Quảng Trị đầu tiên vừa được xuất khẩu sang châu Âu bởi Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic).

Giá trị mới của gạo Việt

Bà Phạm Thị Diễm Lệ – Giám đốc Công ty QTOrganic – cho biết, để có được lô gạo hữu cơ đầu tiên vào thị trường châu Âu trước đó doanh nghiệp đã có khảo sát và làm việc với nhiều khách hàng lớn tại châu Âu và Mỹ. Sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả, tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và Công ty QTOrganic đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường châu Âu với giá bán 1.800 USD/tấn. Theo lộ trình mỗi tháng từ Quảng Trị sẽ xuất cảng 30 -50 tấn gạo hữu cơ sang châu Âu.

Qua trồng thử nghiệm rồi nhân rộng, mỗi ha lúa hữu cơ cho năng suất 5,5 – 6 tấn lúa. Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng các quy trình nghiêm ngặt, nên không chỉ đạt năng suất về lúa, mà cá tôm sinh sôi trở lại trên đồng ruộng. Sau khi thu hoạch, lúa hữu cơ được doanh nghiệp thu mua tại chân ruộng với giá cao hơn nhiều so với lúa trồng theo phương pháp thông thường.

Thu mua giá lúa cao cũng dễ hiểu, bởi vì nếu tính theo giá gạo Việt Nam xuất khẩu 5% tấm ở Đông Nam Á, châu Phi, Trung Quốc có giá bình quân quanh mốc khoảng 500 USD/tấn, thì nay giá trị đã tăng gấp 3, gấp 4.

Gạo hữu cơ Việt Nam được hình thành trên chuỗi giá trị đa cực gồm nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà nước; cộng hưởng với dây chuyền canh tác khoa học. Là nội hàm của khái niệm quen thuộc “nông nghiệp công nghệ cao”.

Đây mới là điều mà ngành kinh tế xương sống có khả năng tự chủ cao nhất của nước ta đặt mục tiêu hướng tới, để giải quyết 3 vấn đề cơ bản: Nông dân không “tự bơi”, doanh nghiệp không chỉ là thương lái và thị trường khách hàng có khả năng chi trả đổi lấy những sản phẩm đẳng cấp thực sự.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button