Fed tạm ngưng tăng lãi suất, tác động tới thị trường là trung tính
Sau cuộc họp 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), Fed đã có tuyên bố về chính sách tạm ngưng tăng lãi suất kỳ tháng 6 này đúng như kỳ vọng của thị trường.
Trong tuyên bố đưa ra vào cuối cuộc họp kết thúc vào ngày 14/6 theo giờ địa phương, Fed cho biết việc giữ nguyên lãi suất sẽ cho phép cơ quan này đánh giá thêm thông tin và tác động đối với chính sách tiền tệ.
Fed cũng cho biết thêm việc tăng lãi suất cao hơn sẽ được tính đến trên cơ sở đánh giá mức độ thắt chặt tích lũy của chính sách tiền tệ, độ trễ mà chính sách tiền tệ tác động đến hoạt động kinh tế, lạm phát cũng như sự phát triển kinh tế và tài chính.
Quyết định tạm dừng tăng lãi suất của Fed đã chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp được cơ quan này đưa ra từ tháng 3/2022 nhằm kiềm chế lạm phát và giúp giữ nguyên lãi suất chính sách của Mỹ trong phạm vi từ 5% – 5,25%.
Mặc dù Fed tạm ngưng tăng lãi suất trong kỳ họp này, nhưng với giai đoạn tăng lãi suất nhanh nhất trong hơn 2 thập kỉ vừa qua, mức lãi suất hiện tại tương đương với thời thắt chặt gây ra Đại suy thoái 2008.
Dự phóng kinh tế là phản ánh quan điểm về triển vọng kinh tế và chính sách của các thành viên FOMC và lưu ý rằng là nó thay đổi theo mỗi lần họp tức quan điểm sẽ thay đổi theo kỳ vọng của các thành viên tại thời điểm đưa ra dự phóng. Chủ yếu chúng ta dùng để xem các thành viên FOMC có quan điểm gì và từ đó dự phóng chính sách kỳ tới.
Theo Chủ tịch Fed, Cục quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng vẫn dự báo lãi suất sẽ cắt giảm 1% lãi suất vào năm 2024 khi lạm phát giảm nhanh hơn.
Chúng ta có thể thấy rõ quan điểm của các thành viên FOMC như sau:
1) Dự phóng lạm phát lõi dai dẳng hơn và thất nghiệp tiếp tục thấp, câu chuyện phá vỡ vòng xoáy lương-lạm phát không dễ dàng.
2) Triển vọng kinh tế dự báo tươi sáng hơn lần dự báo trước vào tháng 3, kinh tế vẫn tăng trưởng dưới mức dài hạn 1,8% nhưng nguy cơ suy thoái không lớn.
3) Chính vì 2 nhận định trên nên lãi suất cần cao hơn để chống lạm phát, dự phóng trung bình cao hơn 0,5% so với dự phóng hồi tháng 3, tương đương 2 lần tăng 0,25%.
Còn theo bài phát biểu sau cuộc họp của Chủ tịch Fed Jerome Powell, chúng ta thấy có các điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, quyết định tạm ngừng tăng lãi suất bắt nguồn từ 2 vấn đề: 1) độ trễ và sự khó đoán về phản ánh của chính sách tiền tệ hay nói cho dễ hiểu là sợ quá tay khi thắt chặt; 2) tác động tiêu cực “tiềm năng” từ việc thắt chặt tín dụng trong nền kinh tế. Việc này thì nếu tiếp tục tăng lãi suất thì nguy cơ khá cao và tác động sẽ lâu dài lên nền kinh tế.
Thứ hai, mặc dù các thành viên dự phóng tiếp tục tăng lãi suất như trên nhưng cái quan trọng hơn đoạn này là đoạn độ trễ (lagging) lớn và nhiều tác động khác lên nền kinh tê cần phải theo dõi nên quyết định của Fed sắp tới là thích ứng từng thời điểm (live) và được quyết định theo từng cuộc họp (meeting by meeting).
Hay nói cách khác là nhận định thay đổi liên tục theo tình hình chứ không kiểu chắc chắn phải tăng lãi suất để đưa lạm phát xuống mục tiêu như đoạn trước được nữa, nếu không là hậu quả kinh tế, xã hội sau này lớn.
Điều này cho thấy Fed đã thận trọng hơn trong các trong các quyết sách và quan tâm nhiều hơn đến nền kinh tế, vấn đề tín dụng và các tác động do độ trễ chính sách gây ra thay vì chỉ tập trung mạnh cho chống lạm phát như các lần trước.
Từ đó, việc dự phóng tăng lãi suất của các thành viên FOMC thêm 2 lần nữa mang tính chất tương đối rất cao và có thể thay đổi theo dữ liệu sắp tới.
Chúng tôi cho rằng, khác với quan điểm về việc Fed vẫn giữ thái độ “diều hâu”, động thái của Fed trong lần này khá “bồ câu” hơn các lần trước và việc kiên quyết “diều hâu” đã không còn thể hiện rõ. Tuy nhiên, chính sách của các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ vẫn sẽ linh hoạt theo dữ liệu sắp tới.
Đối với thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam, chúng tôi vẫn cho rằng động thái trên tương đối trung tính và cần quan sát thêm các dữ liệu và động thái trong các cuộc họp tới. Qua đó, chúng tôi cho rằng riêng với thị trường chứng khoán trong ngắn hạn vẫn phán ánh các câu chuyện trong nước nhiều hơn là các yếu tố chính sách từ Fed.