Dự thảo Nghị định quản lý mạng xã hội: Một số quy định làm khó doanh nghiệp
Góp ý cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2913/NĐ- CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo đang có nhiều quy định làm “khó” doanh nghiệp…
Theo đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung tới 86% nội dung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2023.
Góp ý cho Dự thảo, ông Nguyễn Xuân Cường – Đại diện Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam cho rằng, Dự thảo Nghị định mong muốn đi sâu vào từng lĩnh vực, tuy nhiên có một số nội dung quy định quá chi tiết và vụn vặt, như quy định gỡ game bài giải trí.
Mặt khác, trò chơi điện tử là lĩnh vực thể thao mới tại Việt Nam, Dự thảo Nghị định có quy định về địa điểm chơi phải đóng cửa từ 10h đêm hôm trước tới 8h sáng hôm sau. Quy định này chưa sát thực tế, bởi các trung tâm du lịch kéo dài thời gian mở cửa các điểm vui chơi, trong đó có trò chơi điện tử, quy định này sẽ ảnh hưởng tới họ. Chưa kể, trong thể thao điện tử hình thành các câu lạc bộ chuyên nghiệp, giờ có điểm khác biệt nếu có quy định cứng về thời gian sẽ đẩy họ vào tình trạng vi phạm pháp luật.
Từ góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cũng băn khoăn một số quy định khiến doanh nghiệp rất khó thực hiện.
Thứ nhất, dự thảo nghị định được dự báo khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí gia nhập thị trường khi cung cấp dịch vụ qua hình thức ứng dụng (app) trên thiết bị thông minh. Theo dự thảo, doanh nghiệp chỉ được tải ứng dụng lên kho ứng dụng khi có giấy phép, giấy xác nhận theo quy định của nghị định. Đại diện Bộ TT&TT lý giải việc xây dựng quy định là nhằm ngăn chặn các ứng dụng vi phạm pháp luật, chẳng hạn như game lậu, game cờ bạc.
Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng, điều này làm phát sinh thủ tục hành chính cho tất cả doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ, sản phẩm với hình thức cung cấp app, trong khi chưa rõ hiệu quả của quy định này. Thêm nữa, dự thảo nghị định chỉ điều chỉnh về dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhưng lại đặt ra quy định cấp phép ảnh hưởng đến toàn bộ các ngành, dịch vụ khác là không hợp lý. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định trước khi ban hành và tham vấn chuyên gia về các giải pháp chính sách thay thế nếu có để tránh làm tổn hại đến lợi ích kinh tế số.
Thứ hai, dự thảo nghị định được dự báo khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện quy định xác thực tài khoản người dùng bằng số điện thoại. Theo dự thảo, doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới, mạng xã hội trong nước phải xác thực người dùng bằng số điện thoại mà người dùng đăng ký và chỉ cho phép người dùng đã xác thực thực hiện viết bài, bình luận, livestream.
Hiện nay, việc dùng email, số điện thoại xác thực tài khoản là biện pháp có ý nghĩa bảo mật tài khoản người dùng, giúp doanh nghiệp nhận biết cùng một người đăng nhập tài khoản chứ không có ý nghĩa định danh người dùng là ai, người sở hữu tài khoản và người có số điện thoại có danh tính trùng khớp hay không.
Do đó, cơ quan soạn thảo loại bỏ quy định xác thực tài khoản người dùng bằng số điện thoại, để người dùng được quyền lựa chọn phương thức bảo mật tài khoản theo nhu cầu của họ. Trong trường hợp cơ quan soạn thảo giữ quy định này, đề nghị cơ quan đánh giá kỹ lượng tác động của quy định và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
“Không gian mạng – chính xác hơn là hệ sinh thái số cũng là không gian làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ trong nước mà cả toàn cầu. Do đó, mạng không chỉ là “xã hội” mà còn là vấn đề kinh tế, cần phải được xem xét kỹ lưỡng”, ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.