Du lịch cộng đồng tiềm năng nhưng kém thu hút
Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng nhưng vẫn còn tồn động những khó khăn, thách thức cần giải quyết.
Du lịch cộng đồng đang có nhiều cơ hội để phát triển hơn tại Việt Nam. Ảnh: Hoach Le Dinh/Unsplash. |
Cuộc thăm dò của American Express năm 2022 với du khách đến từ Australia, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico và Anh cho thấy 81% người mong muốn du lịch đến những nơi mà họ có thể hòa mình vào văn hóa địa phương, 78% muốn có tác động tích cực đến cộng đồng mà họ đến thăm.
Du lịch cộng đồng chính là một hình thức du lịch đủ để đáp ứng những nhu cầu đó.
Trong Luật Du lịch năm 2017, du lịch cộng đồng được hiểu là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Theo công ty lữ hành Intrepid Travel (Australia), loại hình du lịch này được thiết kế để mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch thú vị và phong phú về tập quán, văn hóa và thiên nhiên của cộng đồng địa phương.
Tiềm năng ở nhiều khía cạnh
ThS Trương Hoàng Tố Nga, giảng viên bộ môn Quản trị Nhà hàng – Khách sạn (Khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), nhận định Việt Nam hoàn toàn đầy tiềm năng với các thế mạnh về tài nguyên du lịch, đặc biệt là du lịch tự nhiên.
Theo bà Tố Nga, những mô hình du lịch cộng đồng ở miền Tây Nam Bộ như nhà vườn chôm chôm, bưởi hoặc nhãn cùng một ao cá để mò cua bắt ốc và những nhà chòi giăng võng cũng đủ để du khách có cảm giác như hòa mình vào thiên nhiên.
Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư tại tỉnh An Giang. Ảnh: Phương Nghi. |
Chuyên gia này chia sẻ thêm du lịch cộng đồng cũng thay đổi nhận thức của người dân. Sự phát triển của du lịch giúp họ cải thiện đời sống thay vì chỉ dựa vào việc trồng trọt, chăn nuôi.
“Ngoài việc kiếm thêm thu nhập, người dân vẫn duy trì những giá trị văn hóa, ẩm thực gia truyền hay trưng dụng những vật cổ trong nhà để làm du lịch, tránh chạy theo lối sống hiện đại hóa. Như thế, người dân địa phương vừa bán văn hóa vừa nhận văn hóa từ những vị khách ghé chơi”, bà Tố Nga nói.
Dữ liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy thu nhập trung bình của các hộ làm du lịch cộng đồng ở Lào Cai vào khoảng 50-70 triệu đồng/năm. Đặc biệt có những hộ gia đình làm hiệu quả, đạt doanh thu tới 150-200 triệu/năm.
Giai đoạn 2013-2022, các điểm du lịch cộng đồng ở Thanh Hóa đón được khoảng 10,6 triệu lượt khách, trong đó có 184.000 lượt khách quốc tế với số ngày lưu trú bình quân là 2,5 ngày/người/lượt và khách du lịch nội địa là 1,65 ngày/người/lượt.
Trong “Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam”, Tổng cục Du lịch cho biết du lịch cộng đồng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới, củng cố quyền cho phụ nữ và nữ dân tộc thiểu số, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo.
Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan đã nhận xét rằng du lịch cộng đồng có điểm khác biệt với các loại hình du lịch khác ở việc du khách muốn thoải mái trải nghiệm văn hóa sâu sắc hơn với cuộc sống người địa phương.
Do đó, họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho trải nghiệm, đặc biệt khi điều này đóng góp cho chính cộng đồng địa phương.
Thiếu dịch vụ bài bản
Song song với tiềm năng là những hạn chế, khó khăn mà du lịch cộng đồng Việt Nam đang gặp phải.
Trong cuốn sách chuyên khảo “Phát triển du lịch nông thôn trong xây nông thôn mới ở Việt Nam”, TS Ngô Thị Thu Trang (PGĐ Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn Saemaul Undong thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), có nói về những khó khăn mà du lịch cộng đồng tại Việt Nam đang gặp phải.
Du khách nước ngoài thích thú với các hoạt động làm nông ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Theo vị chuyên gia này, các sản phẩm và hình thức phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam thời gian qua khá đa dạng. Một số mô hình thành công đã góp phần chứng minh khả năng tham gia phát triển du lịch cộng đồng của các vùng nông thôn.
Dẫu vậy, với bà Thu Trang, những sản phẩm, dịch vụ này chủ yếu dừng ở mức cơ bản. Số lượng mô hình bài bản và chuyên nghiệp còn rất ít, phần đông là tự phát do số du khách đến tăng theo thời gian, phát sinh thêm nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Trong số liệu từ Tổng cục Du lịch năm 2020, Việt Nam có hơn 5.000 homestay đang hoạt động, nhưng chỉ hơn 1/3 được công nhận đạt chuẩn.
“Chính vấn đề này mà các sản phẩm/dịch vụ du lịch cộng đồng tại Việt Nam những năm gần đây còn nhiều hạn chế vì bị lạm dụng thương mại hóa tài nguyên du lịch, trùng lắp sản phẩm, dịch vụ, ô nhiễm môi trường, nguồn lực thiếu và kém”, bà Thu Trang bình luận.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Trung Tâm VH-TT&TT-TH TP Hội An, nhận xét du lịch cộng đồng tại đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
“Người ta làm nông nghiệp là chủ yếu nhưng mà phục vụ cho du lịch, về những kỹ năng và cả giao tiếp lại là chuyện khác. Được đào tạo, tập huấn qua nhiều tổ chức, nhiều đơn vị nhưng chất lượng vẫn dừng lại ở một chừng mực nào đó”, ông Đông nói.
Bên cạnh đó, ông Đông cũng chia sẻ thêm những sản phẩm của các làng du lịch chưa được đa dạng hóa. Yếu tố thời tiết cũng một phần gây cản trở sự phát triển của du lịch cộng đồng tại địa phương.
Thay đổi để thu hút giới trẻ
Hiện nay, nhiều điểm du lịch cộng đồng cũng nỗ lực sáng tạo ra những sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của các bạn trẻ hơn như tạo điểm check-in hay du lịch kết hợp team building.
Nhiều khu du lịch cộng đồng mở thêm các hoạt động tập thể để thu hút giới trẻ. Ảnh: Cồn Phụng Tourist. |
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Chính, hướng dẫn viên tại khu du lịch Cồn Phụng (Bến Tre), cho biết địa điểm du lịch này đã có những thay đổi để phù hợp với sở thích của các khách hàng ngày nay.
“Khu du lịch đã xây dựng thêm những điểm check-in cho du khách như cặp mèo ở cổng chào, vườn hoa hoặc những cảnh bờ sông có các hình trái tim, để khách thỏa sức chụp ảnh”, anh Chính chia sẻ.
Anh Chính cho biết các tổ chức, công ty có thể kết hợp vừa đi du lịch vừa tổ chức team building tại đây với các trò chơi tập thể như đạp xe qua cầu khỉ, bong bóng nước.
Trong “Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam”, Tổng cục Du lịch có đề xuất một số giải pháp cho những khó khăn của du lịch cộng đồng Việt Nam:
- Các địa phương cần lựa chọn nơi phát triển du lịch cộng đồng, những địa điểm tiêu biểu dựa trên tài nguyên và khả năng hoạt động. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, giữ gìn cảnh quan, môi trường.
- Các điểm du lịch phải tập trung xây dựng những homestay cho khách thuê, nhà cộng đồng, nhà vệ sinh công cộng, nơi ăn uống đạt tiêu chuẩn.
- Ngoài ra, địa phương cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý và kỹ năng. Thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ bằng cách mời các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.