Du lịch Cồn Chim cần điểm nhấn
Bình Định mời chuyên gia góp ý kiến nhằm tạo quy hoạch tổng thể hiện đại, xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt trên đầm Thị Nại, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Cồn Chim.
Ngày 27/2, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, cho biết Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cùng đoàn chuyên gia đã đi khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Tuy Phước.
Đoàn đã đi thuyền khảo sát không gian thiên nhiên đầm Thị Nại, khu sinh thái Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước). Phong cảnh thiên nhiên nơi đây hoang sơ, giàu tiềm năng, có thể thu hút nhà đầu tư tạo nên sản phẩm tương tự du lịch sông nước ở miền Tây Nam Bộ.
Hoàng hôn huyền ảo trên Cồn Chim, đầm Thị Nại (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: Minh Hoàng. |
Cồn Chim được biết đến với đa dạng loài chim bay về làm tổ, tạo khung cảnh yên bình. “Nếu đưa Cồn Chim vào khai thác phục vụ du lịch, sẽ là điều kiện tốt để ngành du lịch tỉnh phát triển. Chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh mời gọi nhà đầu tư nhằm tạo nên sản phẩm du lịch mới cho địa phương”, ông Thanh nói.
Về vấn đề này, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho hay địa phương đang quy hoạch đầm Thị Nại, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Cồn Chim rất quý.
“Chúng tôi đã mời các chuyên gia đóng góp ý kiến nhằm tạo quy hoạch tổng thể hiện đại, xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt trên đầm Thị Nại. Tỉnh sẽ triển khai khơi thông luồng tuyến ra vào, kết nối giữa Quy Nhơn với đầm Thị Nại; quy hoạch một số điểm du lịch quanh đầm nhằm tạo ra các sản phẩm mới để phát triển du lịch Bình Định thời gian đến”, ông Dũng nói.
Du khách chèo SUP khám phá rừng ngập mặn ở Cồn Chim. Ảnh: Minh Hoàng. |
Sau khi khảo sát đầm Thị Nại, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vietravel, nhìn nhận trước đây khi về Bình Định, các công ty lữ hành thường chỉ đưa khách về trung tâm TP Quy Nhơn, du lịch lịch sử ở huyện Tây Sơn hoặc các điểm du lịch biển. Du lịch sinh thái, trở về với thiên nhiên tại đầm Thị Nại tiềm năng và hoàn toàn có thể triển khai sớm ngay trong mùa hè này.
“Cảnh quan nơi đây tạo cảm giác cho du khách như đang lạc giữa đồng bằng Nam Bộ, những rừng đước ngập mặn, hệ sinh thái tự nhiên còn nguyên vẹn. Nếu khai thác tốt, đây sẽ là động lực tạo đòn bẩy cho du lịch Bình Định cất cánh trong tương lai gần”, ông Kỳ chia sẻ.
Cồn Chim (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: Google Maps. |
Cách TP Quy Nhơn về hướng bắc khoảng 15 km, Cồn Chim lọt thỏm giữa rừng ngập mặn đầm Thị Nại thuộc địa phận các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Đầm Thị Nại rộng 5.000 ha với hệ thống rừng ngập mặn rộng hơn 1.000 ha. Giữa đầm có ba cồn nổi gồm Cồn Chim, Cồn Trạng, Cồn Giá (gọi chung là khu sinh thái Cồn Chim rộng 480 ha). Người dân địa phương thường gọi đây là “Ốc đảo xanh” của vùng đất Bình Định.
Theo các chuyên gia, đầm Thị Nại trong đó có Cồn Chim như kho báu sinh thái có giá trị đặc biệt. Nếu được bảo tồn phát triển đúng hướng, ốc đảo này sẽ trở thành “lá phổi xanh” của Bình Định.
Mục Du lịch – Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.