‘Du lịch ăn xin’ hoành hành châu Á
Nhóm người thường lợi dụng lòng tốt của người dân địa phương để xin tiền du lịch, ăn chơi thỏa thích, được gọi chung là “begpacker”.
Hình ảnh du khách ăn xin ngày càng phổ biến ở châu Á. Ảnh: Bored Panda. |
Xu hướng khách du lịch xin tiền người dân địa phương để tài trợ cho việc đi lại đã trở thành vấn nạn đối với không ít các quốc gia châu Á như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Hoạt động của “begpacker” (ghép từ beggar: ăn xin và backpacker: du khách ba lô) gần đây đã bị soi xét kỹ lưỡng, bị gán cho mác “lười biếng” trên mạng xã hội.
Làn sóng khách phương Tây đến châu Á ăn xin
Khi thế giới mở cửa cho du lịch sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã sôi nổi trở lại. Nhiều quốc gia đã ban hành chính sách miễn thị thực cho công dân các nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế nhập cảnh để mở cửa du lịch.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), việc ban hành chính sách thuận lợi về thị thực nhập cảnh làm tăng lượng khách du lịch quốc tế cho quốc gia sở tại 5-25% mỗi năm. Chính sách miễn visa du lịch làm tăng thêm nhu cầu đi lại, làm tăng số việc làm trực tiếp cho ngành du lịch.
Một du khách được bắt gặp giơ bảng ăn xin tại Hong Kong. Ảnh: Bored Panda. |
Tại đại lộ Ngôi sao dọc cảng Victoria, Hong Kong (Trung Quốc), các nhóm “begpacker” người nước ngoài chuyên làm ăn xin. Một số bán những món đồ thủ công, số khác chơi nhạc cụ hoặc hát, nhóm còn lại dựng một tấm bảng bằng bìa cứng với nội dung: “Tôi đang đi du lịch khắp châu Á, xin hãy ủng hộ tôi”.
Nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hong Kong cho rằng nơi này trở thành điểm đến chính của những du khách ăn xin vì vị trí địa lý đắc địa, chính sách thị thực dễ chịu với du khách và độ hào phóng của người dân.
Các quy định về thị thực ở nhiều quốc gia đang phát triển tạo điều kiện cho người mang hộ chiếu phương Tây. Một người châu Âu có thể đến Senegal trong 90 ngày miễn thị thực bất cứ khi nào họ muốn. Tuy nhiên, nếu người Senegal muốn làm điều tương tự, họ sẽ phải đối mặt với nhiều quy tắc và hạn chế khắc nghiệt.
Một du khách ăn xin tại Thái Lan. Ảnh: Pattaya News. |
Mục đích chính của ngành du lịch, đặc biệt là ở các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ, là tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, tình trạng những du khách phương Tây từ các quốc gia phát triển đến xin tiền trang trải cho chuyến đi của họ là một đòn giáng nặng vào nền du lịch nước sở tại.
Những “begpacker” này không chỉ mang ít hoặc không mang tiền vào nước sở tại, họ còn lợi dụng những người dân địa phương thường kém may mắn hơn họ để cho tiền vì lòng tốt.
Ở Thái Lan, các “begpacker” thường tập trung bên ngoài các ngôi đền. Trong Phật giáo, người Thái Lan và Việt Nam thích làm việc thiện để tích đức. Những người ăn xin này cố tình lợi dụng các hoạt động tôn giáo của Thái Lan bằng cách tự đặt mình bên ngoài các ngôi đền – nơi họ biết rằng sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận từ những Phật tử.
Các nước đối phó với “begpacker” như thế nào?
Theo Thaivisa, một số trạm kiểm soát biên giới ở Thái Lan đã yêu cầu những người nhập cảnh bằng visa du lịch chứng minh có đủ tiền trong tài khoản ngân hàng. Đây là chi phí dành cho việc đi lại và sinh hoạt tại nước này.
Các bài đăng về động thái trên cũng xuất hiện nhiều hơn trên các hội nhóm của người nước ngoài ở Thái Lan. Theo Thaivisa, những người tới Thái Lan với lịch sử nhập cảnh bằng visa du lịch dường như là những người bị giám sát chặt chẽ nhất. Nhưng những người có thị thực giáo dục cũng phải chịu sự giám sát tương tự.
Nhiều người dân địa phương ngày càng “dị ứng” với hình ảnh khách du lịch xin tiền. Ảnh: Star TV. |
Các yêu cầu tại các trạm kiểm soát biên giới trên khắp Thái Lan có thể là một phản ứng trước sự gia tăng của “begpacker” và người nước ngoài muốn làm việc bất hợp pháp ở nước này. Quốc gia này lần đầu tiên đưa ra luật vào năm 2016 nhắm vào việc ăn xin trên đường phố, biến nó thành hành vi bất hợp pháp.
Động thái này cũng cho phép chính quyền Thái Lan xử lý người ăn xin địa phương cả người nước ngoài. Những người ăn xin bất hợp pháp có thể bị giam giữ và phạt tiền.
Để đối phó với vấn nạn khách du lịch ăn xin, các nhà chức trách trên đảo Bali của Indonesia đã gửi những “begpacker” đến các đại sứ quán tương ứng để tự giải quyết.
“Chúng tôi có xu hướng báo cáo những trường hợp này cho các cơ quan ngoại gia để họ có thể giám sát công dân của họ đang đi nghỉ”, một quan chức Indonesia cho biết.
Nhân viên hải quan ở sân bay quốc tế Ngurah Rai tại Bali cho biết theo Luật Di trú Indonesia, nhà chức trách có quyền bắt người nước ngoài ăn xin trên đường vì họ đã sử dụng thị thực du lịch của mình không đúng mục đích.
Trong khi đó, ở Singapore, hành động ăn xin được coi là bất hợp pháp. Những người vi phạm nhiều lần có thể bị phạt hơn 2.000 USD hoặc chịu hình phạt tù tới hai năm. Chỉ có những du khách có visa làm việc mới được phép kiếm sống bằng cách chơi nhạc, vẽ tranh trên đường phố.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.