Dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều
Kỳ vọng NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành qua đó trực tiếp làm giải lãi suất huy động và kéo theo giảm lãi suất cho vay có thể khiến một số bộ phận vẫn thận trọng trong tiếp cận tín dụng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nếu so với năm 2022, hiện tín dụng có tăng nhưng mức tăng vẫn còn thấp.
Kỳ vọng tín dụng tăng cao trong 3 tháng cuối năm
Phát biểu tại họp báo Chính phủ tháng 9, Phó Thống đốc cho biết tính đến ngày 30/9, lãi suất huy động là khoảng 5,9%, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12.900 nghìn tỷ đồng. Vào thời điểm năm ngoái, lãi suất huy động là 7,68%. Lãi suất cho vay dự đoán là khoảng 6,1-6,2%. Tổng dư nợ của nền kinh tế là 12.630 nghìn tỷ đồng.
“Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng có tăng nhưng chậm hơn năm ngoái. Nguyên nhân là do nhiều lý do khách quan, trong đó có khó khăn đến từ nền kinh tế, tác động của nước ngoài và khó khăn của doanh nghiệp trong nước.
Về lãi suất, cách đây 10 ngày, trên diễn đàn của Quốc hội, chúng tôi cũng đã báo cáo. Hôm nay, theo số liệu mới nhất thì mức giảm trung bình cho vay, nhất là khoản vay mới, là 1-1,3%. Nhờ sự quyết liệt, 9 tháng nhìn lại, điều hành chính sách tiền tệ đã rất mạnh mẽ, chính sách tiền tệ nới lỏng ngay từ đầu năm; điều hành linh hoạt, hiệu quả, phù hợp.
Chính vì thế, lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5-5,7%, vay trung ngắn hạn là 5,8-10%. Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi thì có độ trễ, do huy động của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao, thậm chí từ 10-12%, nên độ trễ hiện nay theo sự tính toán của chúng tôi xác định thì khoảng từ 9-12%”, Phó Thống đốc cho biết.
Ông cũng cho hay hiện các ngân hàng thương mại khi chưa đến kỳ các doanh nghiệp trả lãi, nhưng ngân hàng và doanh nghiệp đều có sự thống nhất hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn. Khối tín dụng chính sách cho người nghèo, hộ thu nhập thấp cũng tăng rất cao là 8,19% và tổng dư nợ là 316 nghìn tỷ đồng với 16,7 triệu khách hàng.
Có thể thấy là tăng trưởng tín dụng của năm nay gặp rất nhiều khó khăn nhưng cùng với các hiệu ứng “điểm rơi” chính sách tiền tệ, cộng hưởng nhu cầu xuất khẩu phục hồi, tiêu dùng nội địa tăng nhờ các chính sách hỗ trợ thuế VAT, phí và giảm phí… đã dẫn đến doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, có nhu cầu vay vốn cao hơn. Theo đó, tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm, vào mùa Lễ Tết sẽ được kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn – vừa là tăng theo yếu tố mùa vụ, chu kỳ, vừa là tăng nhờ “độ nén” đến thời điểm “bật lò xo” của doanh nghiệp.
Dù vậy, do sức khỏe doanh nghiệp còn kém, năng lực tài chính và triển vọng của các dự án kinh doanh còn nhiều rủi ro, nên khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn bị hạn chế khi NHTM phải kiểm soát chất lượng tín dụng. Tương tự là chất lượng vay tiêu dùng cá nhân cũng phải kiểm soát, đảm bảo do đó, tăng trưởng tín dụng khó có thể “bật lò xo” tăng mạnh như kỳ vọng và tương ứng với chỉ tiêu đầu năm là 14-15%.
Dư địa hạ lãi suất hạn hẹp
Với tín hiệu thực tế, và cơ sở cho kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong những tháng cuối năm, hiện NHNN đã đề ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, qua các giải pháp, “chúng ta rất mong tín dụng sẽ đạt mức như kỳ vọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Hy vọng trong 3 tháng cuối năm, thông lệ tín dụng sẽ tăng nhanh lên. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn”.
Có thể thấy là nhà điều hành không đề cập đến câu chuyện tăng hay hạ lãi suất. Tất nhiên, đây cũng là điều mà thị trường thường phải thông qua các động thái để đoán định, thay cho theo một lộ trình với các dự báo xa; bởi lẽ việc điều hành lãi suất của Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, phụ thuộc quá nhiều biến số và phải có sự linh hoạt nhất định, cân đối giữa các mục tiêu.
Từ góc nhìn bên ngoài, một số định chế tài chính hàng đầu đã đưa các dự báo về lãi suất điều hành của Việt Nam.
Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam số tháng 10/2023 có chủ đề “Ánh sáng cuối đường hầm”, ngân hàng HSBC đã mạnh dạn cắt bỏ dự báo về đợt tăng lãi suất cuối cùng của NHNN mà HSBC đã đưa ra trước đó.
Quan điểm của HSBC là trong khi tăng trưởng chứng kiến một số tin tốt, các rủi ro về lạm phát cũng xuất hiện. Các yếu tố cho thấy mặc dù không kỳ vọng những diễn biến gần đây sẽ đẩy lạm phát bình quân vượt mức trần 4,5% của NHNN, nhưng tình thế “họa vô đơn chí” này gây ra rủi ro gia tăng đáng kể. Theo đó HSBC đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân lên 3,4% (trước đó: 3,2%) cho năm 2023. Đồng thời, HSBC cũng không còn kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
“Theo quan điểm của chúng tôi, các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa đã không còn: quá trình phục hồi đang diễn ra trong khi lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng. Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không kỳ vọng chuyện tương tự tháng 10 năm ngoái lại xảy ra, khi đợt tăng liên tục của tỷ giá USD-VND buộc NHNN phải mạnh tay tăng lãi suất. Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô của VND đã được cải thiện. Ví dụ, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam gần như đã quay trở lại mức đỉnh trước đó là gần 5% GDP, nhờ thặng dư thương mại mạnh mẽ, lượng kiều hối dồi dào và doanh thu du lịch tăng”, các nhà phân tích HSBC dự báo.
Tương tự, tại báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 10/2023, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng được cho là phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam. Song việc tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực đến tỷ giá.
Theo các chuyên gia của WB, để giảm nhẹ rủi ro tài chính đang gia tăng, thì các biện pháp nâng cao tỷ lệ vốn của các ngân hàng và tăng cường khung giám sát ngân hàng là cách để đảm bảo ổn định và khả năng chống chịu của khu vực tài chính.