Dự báo tươi sáng cho ngành gỗ của MDF VRG
Các đơn vị trong hệ sinh thái trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đang tích cực chuyển đổi để đón đầu xu hướng khi kinh tế toàn cầu phục hồi.
Đầu năm 2022 đến nay, thế giới có nhiều biến động lớn do ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, kinh tế châu Âu chìm trong khủng hoảng, giá cả hàng hóa tăng phi mã do lạm phát kỷ lục tại nhiều nền kinh tế lớn.
Đặc biệt các nguyên liệu như ure, methanol, melamine, axit, axi citric, keo dính, nguyên liệu gỗ tăng từ 20% – 60% so với năm 2021. Đây là nguyên nhân chính làm cho ngành chế biến, kinh doanh gỗ của VRG nói riêng giảm mạnh về sản lượng tiêu thụ cũng như lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, các đơn vị trực thuộc VRG, trong đó có Công ty MDF Quảng Trị tích cực tái cơ cấu, thay đổi phương thức hoạt động, chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn mới – đón đầu xu hướng khi kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi.
Đối với phân khúc chế biến gỗ công nghiệp, sản xuất ván MDF với nhiều chủng loại: MDF E2, MDF Carb P2, HDF, HDF HMR và MDF phủ Melamine với nhiều quy cách. Được dự báo sẽ trở thành nguyên liệu chủ đạo trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp.
Tại MDF Quảng Trị hiện có hai dây chuyền: Dây chuyền 1: công suất sản xuất 60.000m3/năm; dây chuyền 2: 120.000 m3/năm. Sản xuất Formaline 37%, 44% phục vụ sản xuất keo UF, MUF và các ngành công nghiệp khác. Sản xuất keo UF, MUF phục vụ sản xuất ván MDF và ngành gỗ, các ngành công nghiệp khác.
Hiện nay sản phẩm của Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị được thị trường trong nước và nước ngoài đánh giá cao về chất lượng. Hệ thống tiêu thụ trong nước: thị trường tiêu thụ sản phẩm ván MDF của Công ty bao gồm từ Bắc vào Nam với nhiều chủng loại cả về chất lượng lẫn số lượng.
Đặc biệt sản phẩm HDF, HDF HMR rất được thị trường trong nước ưa chuộng. Các khách hàng trong nước đã giảm nhập khẩu từ nước ngoài để chuyển sang dùng sản phẩm của MDF VRG Quảng Trị.Sản phẩm của Công ty cũng được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Châu Á, các nước thuộc khu vực Trung Đông,…
Nhiều chuyên gia và tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng, trong tương lai gỗ MDF sẽ đóng vai trò chủ đạo, ngày càng được ưa chuộng do phù hợp với xu hướng phát triển “xanh”, bền vững, giảm phát thải, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ nhất, công nghệ gỗ MDF trong hệ sinh thái của VRG cho phép mở ra các ngành kinh tế liên quan, như lâm nghiệp, nông nghiệp gắn với nghề trồng rừng thương phẩm. Riêng ở Quảng Trị, Công ty MDF tạo ra hàng nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp, giúp thay đổi và ổn định sinh kế cho người nông dân.
Thứ hai, gỗ MDF còn mang sứ mệnh to lớn, giúp giảm áp lực cho những cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” của trái đất. Vì sao nói vậy?
Vì công nghệ tiên tiến của MDF VRG có thể sử dụng và tận dụng mọi thứ từ rừng trồng thương phẩm, loại rừng này có thể khai thác và tái tạo trong vòng 3-5 năm, đặc biệt phổ biến như cây tràm hoa vàng, keo tai tượng, thông, phi lao,…