Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2024 quanh mức 3,4%
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Học viện Tài chính (giao cho Viện Kinh tế – Tài chính chủ trì) phối hợp với Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính tổ chức hội thảo khoa học nhằm phân tích, nhận định về diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, với mục đích để nhận biết được bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về thị trường, giá cả ở Việt Nam, cuộc Hội thảo này được tổ chức nhằm phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2024, những yếu tố cơ bản, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường trong thời gian qua và có đề cập đến dự báo lạm phát 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, những thuận lợi và áp lực trong quản lý, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, làm tăng biến động thị trường, giá cả… tác động xấu tới cả sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng của thiên tai đã tăng lên theo thời gian và còn tiếp tục tăng hơn nữa do biến đổi khí hậu đã đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất ổn xã hội …
Mặc dù vậy, tăng trưởng inh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Tính tới cuối tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng thêm từ 0,1 – 0,3 điểm % so với các dự báo đưa ra trước đó.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo…
Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế – xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và gần cao bằng mức tăng CPI bình quân của năm 2017, 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều…
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức khoảng 3,4% (+/- 0,2%). Mức lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý III/2024 khi các tác động từ đợt tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023 giảm dần. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020-2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm. Nói cách khác, cầu tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.
Về tỷ giá sẽ duy trì ổn định, thậm chí giảm trong 6 tháng cuối năm, khi Fed hạ lãi suất 1-2 lần và USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế. Giá dầu khó tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm do nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vẫn hiện hữu khi Fed duy trì lãi suất ở mức cao.
Mặt bằng lãi suất ở Việt Nam mặc dù thấp, nhưng vẫn được duy trì ở mức thực dương và giúp kiềm chế lạm phát, còn cung tiền và tín dụng tăng trưởng ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tính đến thời điểm 24/6/2024 tăng trưởng huy động vốn và tín dụng của các tổ chức tín dụng mới đạt tương ứng 1,50% và 4,45%. Lương cơ sở được tăng từ 01/07/2024, nhưng chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, nên tác động tới lạm phát sẽ không quá lớn…
Các yếu tố trên cho thấy áp lực gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024 không nhiều. Với kịch bản tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với 6 tháng đầu năm 2024 (ở mức tăng trung bình trong khoảng 0,1%/tháng – 0,23%/tháng) thì lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ trong khoảng từ 3,4% đến 3,6%, số liệu này tương đồng với dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).
Trong khuôn khổ của chương trình, ngoài việc tập trung phân tích, thảo luận về diễn biến thị trường, chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cho cả năm 2024 các đại biểu còn phân tích, thảo luận về diễn biến và bình ổn giá trên thị trường vàng, biến động lãi suất, rủi ro ngân hàng điện tử, diễn biến thị trường bất động sản (giá cả trên thị trường, việc áp dụng sớm các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua).
Lê Quân