Đồng Yen Nhật rớt giá và tác động với Việt Nam

Theo chuyên gia, sự biến động của đồng Yen Nhật chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam, gồm những người có thu nhập từ đồng Yen và những công ty có xuất nhập khẩu với quốc gia này.

Trong phiên giao dịch sáng 18/4, đồng Yen Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tháng so với đồng USD của Mỹ, trong bối cảnh các số liệu tích cực về sản xuất công nghiệp ở Mỹ đang làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ một lần nữa tăng lãi suất vào tháng tới.

Đồng Yen Nhật rớt giá và tác động với Việt Nam

Sáng 18/4, đồng Yen Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tháng so với đồng USD của Mỹ

Phản ứng trước sự mất giá của đồng Yen, thị trường chứng khoán Tokyo đã tăng điểm, chủ yếu nhờ động lực đến từ các cổ phiếu ngân hàng, nông nghiệp và ngư nghiệp, thông tin và truyền thông. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda vừa khẳng định, Nhật Bản sẽ vẫn giữ lãi suất ở mức cực thấp, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, vừa qua, trong bối cảnh các nền kinh tế, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, thì Nhật Bản lại duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Khi đó, chỉ số DXY đánh giá đồng Yen ở ngưỡng trung bình 100-110 đã nhảy vọt lên trung bình 150, khiến đồng tiền này giảm giá. Động thái này nhằm giúp Nhật Bản kích thích tăng trưởng GDP trong nước, nhưng có một yếu tố xảy ra đó là lạm phát tăng.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đã thay Thống đốc mới sau một thập kỷ khi ông Kazuo Ueda làm thống đốc mới của BoJ trong nhiệm kỳ 5 năm. Hiện BoJ đang tìm cách cân bằng giữa việc hỗ trợ nền kinh tế bằng cách nới lỏng tiền tệ và làm thế nào để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Ông Ueda cho rằng nên tiếp tục nới lỏng tiền tệ, xong cũng không loại trừ khả năng xem xét lại chương trình kiểm soát lãi suất.

“Tuy nhiên, nước Nhật đã chuyển sang một chu kỳ mới, với số liệu lạm phát năm 2022 đã tăng lên mức 4,3%, khiến họ có thể có xu hướng thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát và điều đó gây ảnh hưởng đến sự vận động của đồng Yen”, ông Tuấn phân tích.

Về tác động với Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, tính đến cuối năm 2022, Nhật Bản đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 22 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 27 tỷ USD. Trong tổng kim ngạch xuất nhập nhập khẩu của Việt Nam khoảng 800 tỷ USD thì đây là con số khá ấn tượng.

Đồng Yen Nhật rớt giá và tác động với Việt Nam

Nhật Bản là một trong những thị trường nhập khẩu lớn hàng thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng tốt

Cụ thể, Việt Nam xuất sang Nhật Bản các sản phẩm như thủy sản, dệt may, gỗ và nhập khẩu về máy vi tính, các sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, sắt thép và các loại sản phẩm từ chất dẻo. Như vậy, sự biến động của đồng Yen Nhật chắc chắn sẽ tác động đến hai yếu tố, đầu tiên là những người có thu nhập từ đồng Yen và tiếp đó là những công ty có xuất nhập khẩu với quốc gia này. Đồng thời, lượng vốn FDI của Nhật Bản ở Việt Nam cũng rất lớn, khi đồng Yen mạnh thì họ sẽ tăng cường đầu tư ở các quốc gia khác nhiều hơn và ngược lại.

“Chính sách của Nhật Bản cũng có tác động đến kinh tế Việt Nam, vì khi chúng ta mở cửa nền kinh tế thì sẽ mở cửa cả thị trường đầu tư và thị trường tài chính, đồng thời sẽ biết nguồn vốn của Nhật Bản vào Việt Nam thế nào.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ cũng quyết định lãi suất và tỷ giá của đồng tiền, như vậy các nhà đầu tư sẽ phải cân đối rất kỹ trong việc đầu tư giữa hai quốc gia. Nếu tỷ giá đồng tiền của họ ngày càng tăng thì họ đầu tư cũng dễ dàng hơn”, CEO AFA Capital nhận định.

Còn theo Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Nhật Bản là một trong những thị trường nhập khẩu lớn hàng thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên hiện nay, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đã cao hơn của Thái Lan, Ấn Độ. Một khi đồng tiền mất giá buộc các quốc gia nhập khẩu sẽ tìm đến sản phẩm có giá thành thấp hơn. Đây là điều vô cùng bất lợi đối với ngành thủy sản nước ta.

Chia sẻ về giải pháp ứng phó với khó khăn, đại diện một doanh nghiệp cho hay, tích cực đàm phán, chia sẻ hài hòa về giá mua nguyên liệu và giá xuất khẩu là cách mà doanh nghiệp đang khẩn trương thực hiện để ứng phó trước những bất lợi của tỷ giá. Doanh nghiệp một mặt hỗ trợ khách hàng về giá cả, chia sẻ khó khăn với khách hàng, đồng thời có trách nhiệm với bà con nông dân để giữ mức giá tôm trong nước ở mức ổn định.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button