Động lực chính cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024
Với chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kỳ vọng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho TTCK Việt Nam.
Nhận diện và dự báo thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong quý II và nửa cuối năm 2024, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) cho rằng về trung và dài hạn, triển vọng triển vọng vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục.
2 động lực chính
Nhờ vậy, kỳ vọng về kết quả kinh doanh (KQKD) các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho TTCK Việt Nam trong quý II và nửa cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho TTCK.
“Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư (NĐT) bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường”, các chuyên gia SSI Research nhận định.
Trước đó, ghi nhận KQKD của các DNNY, theo dữ liệu WiResearch cho thấy, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường tiếp đà tăng trưởng từ vùng đáy, cao nhất trong 7 kỳ lợi nhuận gần nhất, với mức tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm tài chính là động lực chính của toàn ngành. Tuy nhiên với hầu hết lợi nhuận của các DNNY nhóm phi tài chính đều thay đổi và ghi nhận tăng trưởng trên 2 chữ số, là đà tích cực cho kỳ vọng cải thiện đà phục hồi và ổn định tăng trưởng lợi nhuận từ quý II.
Với động lực hỗ trợ về nâng hạng lên thị trường mới nổi, kỳ đánh giá tới đây của FTSE Russell sẽ diễn ra vào tháng 9. Tại cuộc họp Chính phủ ngày 8/6 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sát tình hình, kịp thời, hiệu quả, sử dụng các công cụ hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán.
Ngày 3/6/2024, UBCKNN cũng đã ban hành Quyết định số 624/QĐ-UBCK phê duyệt Chương trình hành động của UBCKNN triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% – 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
Chia sẻ của UBCKNN trong quý I/2024 cho biết, tại thời điểm đó, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí để nâng hạng, hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện gồm ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, giới chuyên môn kỳ vọng các tiêu chí sẽ tiếp tục được cải thiện chuẩn bị cho kỳ đánh giá gần nhất FTSE Russell; và tiến tới cải thiện hơn để đáp ứng được cả những tiêu chí của MSCI.
Chiến lược ngắn hạn
Trở lại với dự báo của SSI Research về TTCK trong tháng 6, trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng do thị trường vừa trải qua qua giai đoạn biến động mạnh từ điều chỉnh đến phục hồi và cần thời gian để củng cố cung cầu trên vùng đỉnh cũ.
“Tháng 6, theo lịch sử thống kê từ năm 2010 đến nay không phải là một tháng thật sự tích cực cho TTCK, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 10% và mức phục hồi cao hơn ở những ngành CNTT, Bán lẻ, Thép, Năng lượng, Tài chính chỉ trong khoảng 5 tuần giao dịch. Theo đó, cung chốt lời bảo toàn lợi nhuận và hạ tỷ lệ vay nợ khi thị trường tiến về cuối quý II có thể khiến thị trường khó bứt phá trong ngắn hạn”, SSI Research phân tích.
Sau khi nhấn mạnh thời điểm chọn lọc cổ phiếu vào tháng trước, thì tận dụng vùng giá cao để bảo toàn thành quả cho danh mục là chiến lược có thể phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại. Ở chiều mua, việc đa dạng hóa danh mục theo ngành có thể giúp NĐT chủ động đón đầu dòng tiền liên tục xoay vòng và hạn chế rủi ro.
Tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục duy trì ở mức cân bằng, chỉ mua gom trong các nhịp điều chỉnh và việc lựa chọn nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng KQKD cao và ổn định. Nhiều nhóm ngành sẽ lần lượt hồi phục trên nền so sánh rất thấp của năm ngoái. Theo ước tính của SSI Research, các cổ phiếu có KQKD tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành Bán lẻ, Phân bón, Thép-Tôn mạ, Chứng khoán và Xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024. Trong khi đó, sự chú ý của thị trường còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm Thực phẩm đồ uống và nhóm Tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.
Một cách lạc quan, SSI Research cũng cho rằng rủi ro về địa chính trị và viêc Cục dự trữ liên bang Mỹ trì hoãn giảm lãi suất sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các cân đối vĩ mô trong nước và sẽ tác động không tích cực đến TTCK. Trong khi đó, với các yếu tố nội tại, nhóm chuyên gia lưu ý các rủi ro lớn có thể kể đến như tỷ giá và áp lực lên lãi suất, thị trường bất động sản còn yếu trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2024 vẫn còn rất cao và tiêu dùng phục hồi không đạt như kỳ vọng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn