“Đòn bẩy” nâng tầm quan hệ Việt – Nga
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ giữa 2 nước lên tầm cao mới.
Những thay đổi trong cấu trúc trật tự toàn cầu gần đây đã ảnh hưởng sâu sắc đến các quan hệ song phương, đa phương, xu hướng đối đầu, chia rẽ, mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực.
Trong bối cảnh ngoại giao toàn cầu đang có nhiều thay đổi, vẫn tồn tại không gian cho các quốc gia lấy hòa bình làm trọng; vẫn còn đó nhiều mối quan hệ giàu truyền thống, thủy chung, sắt son trước sau như một.
Việt Nam và Liên bang Nga là ví dụ tiêu biểu. Sau năm 1991, Việt Nam và Nga đã nhanh chóng tái thiết lập quan hệ ngoại giao – không ngừng củng cố và phát triển dựa trên nền tảng vững chắc từ Liên Xô cũ, với khung khổ mới: “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị”.
Tháng 3/2001, Việt Nam và Nga đã nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin. Hai bên đã duy trì cơ chế “Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật”, đồng thời thành lập “Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Liên Bang Nga” nhằm trao đổi biện pháp tăng cường hợp tác và hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư song phương.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga tại Đông Nam Á, khối lượng giao dịch không ngừng tăng lên. Cách đây 3 năm, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga mới chỉ đạt 5,5 tỷ USD thì trong 5 tháng đầu năm nay, đã đạt gần 2/3 của cả năm 2021.
Điểm đặc biệt hơn, mối quan hệ Việt – Nga cũng rất “đậm đặc” trong nhiều lĩnh vực. Nhiều thế hệ tri thức, lao động Việt Nam coi nước Nga là “quê hương thứ 2”, văn học, điện ảnh, nghệ thuật, ngôn ngữ, văn hóa “xứ sở bạch dương” là món ăn tinh thần với không ít người Việt.
Rất nhiều hình tượng Nga được cô đọng từ thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – đi vào văn học, nghệ thuật, rồi hiện diện ở Việt Nam, và trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong lao động, sáng tạo, vươn lên chạm vào vinh quang.
Bây giờ, nước Nga “xoay về châu Á”, Việt Nam hiển nhiên là lựa chọn hàng đầu, chưa hẳn bởi chúng ta đã là nền kinh tế lớn, mà vì chúng ta đã trang bị cho mình quan điểm, chiến lược, học thuyết về ngoại giao có khả năng “chữa lành” vết thương trong cấu trúc trật tự toàn cầu.
Với ngoại giao “hòa mục”, Việt Nam coi tất cả các quốc gia đều là bạn, đối tác, hướng tới mục đích gạt bỏ bất hòa, phát huy tính tương đồng, bổ trợ cho nhau cùng phát triển trên nguyên tắc “win-win”. Đây là cơ sở để Việt Nam đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Ông Fyodor Lukyanov, chuyên gia chính sách đối ngoại hàng đầu của Nga, dự báo: “Tôi chắc chắn rằng trong 30 năm nữa, chúng ta sẽ có một hệ thống quốc tế khác được định hình bởi nhiều mối quan hệ đa dạng mà không có sự thống trị của bất kỳ ai”.
Vậy, cuối cùng chỉ có hợp tác, lấy đối thoại thay đối đầu, lấy ước vọng hòa bình của dân chúng làm trọng mới là bản lề của mọi phương sách ngoại giao. Việt Nam đã và đang giữ vững lập trường này, nên không có gì lạ khi tất cả các nguyên thủ cường quốc hàng đầu đều muốn làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Putin lần này đến Việt Nam cũng không ngoài mục đích đó. Tiềm năng Nga là vô hạn; khả năng phát triển của Việt Nam được các tổ chức uy tín đánh giá cao. Do đó, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ giữa 2 nước lên tầm cao mới.
Mối quan hệ Việt – Nga cũng như với nhiều quốc gia khác – trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục chứng minh một quy luật rằng: dù cạnh tranh đối đầu khốc liệt đến đâu, sự mâu thuẫn sâu sắc đến đâu, cuối cùng đều được hóa giải bằng tình hữu nghị lẫn nhau.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn