“Độc nhất vô nhị” với lễ hội vật cầu nước làng Vân
Với giá trị “độc bản”, lễ hội vật cầu nước làng Vân, xã Vân Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 12/5 (tức ngày 12 tháng 4 Âm lịch) lễ hội vật cầu nước thôn Yên Viên (còn gọi là làng Vân cũ) xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc.
Lễ hội cầu nước làng Vân được diễn ra 3 ngày liên tiếp. Đây là một trong những giá trị văn hóa tâm linh mang đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Chỉ mới hai ngày đầu lễ hội “Làng Vân” đã đón hàng ngàn du khách thập phương về dự lễ chung vui cùng người dân địa phương. Các ngõ xóm rộn vang tiếng cười, người dân cùng du khách đổ dồn về ngôi đền chính nơi có sân vật ngập bùn để chiêm ngưỡng những pha tranh cầu quyết liệt, đầy kịch tính.
Lễ hội vật Cầu nước làng Vân có từ lâu đời gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân nơi đây từ bao đời nay. Tương truyền vào thế kỷ thứ 6, có vị thân mẫu sinh một lần được 5 người con (4 trai, 1 gái), đặt tên là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy, người con gái tên Mỹ Đạm. 5 người con của bà có dung mạo khác thường, khí chất hiển lộ.
Khi đất nước lâm nguy, Triệu Việt Vương rút quân rời bỏ kinh thành về đầm Dạ Trạch lánh nạn, anh em họ Trương liền ra tay giúp nước. Sau khi đại thắng trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen quấy phá, hai bên xung trận với giao ước, ai thắng sẽ được thưởng, ai thua, sẽ phải quy phục. Bọn quỷ đen thua trận, quy hàng các đại tướng. Từ đó trở đi, dân làng Vân mở hội vật cầu nước (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của Đức Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ và mừng chiến thắng của các Ngài. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Vào ngày Lễ hội, trước khi thi đấu các lão làng và các “quân cầu” tập trung tại Đền Thánh Tam Giang bên bờ song Cầu để làm lễ cúng tế thần thánh, khi đó các “Quân cầu” sẽ trở thành “Quan cầu” mang linh hồn đại diện cho các tướng quân khi xưa tham gia vật cầu.
Luật chơi của hội vật cầu nước được qui định như sau: 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm hai giáp, mỗi giáp gồm tám người, gọi là giáp trên và giáp dưới. Sân cầu có kích thước 19m x 14m, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống. Quả cầu được làm bằng gốc cây gỗ mít có đường kính 40cm, nặng khoảng 20kg sau khi ngấm nước. Quả cầu tượng trưng cho mặt trời, hai hố trên sân tượng trưng cho đất, khi “Quan thủ” đẩy được quả cầu xuống hố là kết thúc một hiệp và khi đó mang ý nghĩa trời đất giao hòa.
Ông Nguyễn Đức Đại – Chủ tịch MTTQ xã Vân Hà cho biết thêm: Theo tục lệ từ xa xưa, các cụ cao niên trong làng sẽ là hội đồng chọn những người đủ tiêu chuẩn tham dự vật cầu nước. Người được chọn phải là những thanh niên to khỏe, còn trinh trắng, trước khi tham gia thi đấu phải cách ly tập trung từ đầu tháng 4 âm lịch, được tập luyện và nuôi dưỡng với chế độ dinh dưỡng đặc biệt và thanh tịnh kiêng kiêng ăn hành, tỏi, thịt chó.
Ngày nay do thanh niên đi làm xa nhiều nên tiêu chí này lỏng hơn nên những chàng trai có vợ cũng được tuyển chọn, tuy nhiên phải tuân thủ kỷ luật không được gần phụ nữ từ đầu tháng trước khi lễ hội được tổ chức và phải cách ly tập trung trong 3 ngày. Việc tuân thủ các nguyên tắc của các “quân cầu” đều được mọi người tự giác tuân thủ bởi đây là lễ hội mang tính tâm linh, ai vi phạm dễ bị “Thánh” phạt, hay gặp những rủi ro khi thi đấu như sái chân tay do ngã. Chắc cũng nhờ có Thánh phù hộ nên các “quan cầu” trong khi thi đấu không ai bị chấn thương hoặc đau mắt dù bùn nước bắn bám rất nhiều.
“Quan cầu” khi tham gia đều đóng khố. Khăn để đóng khố được đặt từ Hà Tây cũ, là tấm vải dài hơn 5m, chỉ 1-2 cụ cao niên trong làng biết buộc. Khố được quấn vòng lên vòng xuống, vòng ra vòng vào sao cho còn lại 2 vạt trước sau đủ độ ngắn và khi thi đấu các ”Quan cầu” thường túm vào khố để kéo nhau mà không tuột. Kinh phí cho việc tổ chức đều do người dân trong làng đóng góp.
Giới thiệu về tiềm năng du lịch của địa phương, ông Nguyễn Đình Mỹ – Chủ tịch Xã Vân Hà cho biết thêm: ”Vân Hà là một trong những xã có làng nghề truyền thống của huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang với nghề nấu rượu truyền thống, nghề làm bánh đa nem, mỳ; nghề làm bánh đa nướng …nổi tiếng trong cả nước.
Vân Hà còn là xã nổi tiếng về các làng cổ trong đó có làng Thổ Hà có những ngôi nhà gỗ cổ có từ hàng vài trăm năm lưu giữ những nét văn hóa cổ kính của những ngôi làng Việt và nhất là xã có hệ thống Đình, Đền, Chùa, Miếu, nghè … cổ kính được xếp hạng di tích quốc gia. Trong những năm gần đây Vân Hà luôn đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan nhất là du khách nước ngoài đến thăm làng cổ, làng nghề và các khu di tích lịch sử văn hóa.
Hàng năm xã Vân Hà có 2 lễ hội truyền thống vào tháng giêng âm lịch là lễ hội thôn Yên Viên (hội Làng Vân) và lễ hội thôn Thổ Hà với nhiều trò chơi đặc sắc mang đậm bản chất văn hóa vùng Kinh Bắc. Năm 2013 Lễ hội thôn Thổ Hà được đón bằng công nhận của Bộ Văn hóa là lễ hội phi vật thể quốc gia, ngoài ra cứ 2 hoặc 3 năm một lần thôn Yên Viên lại tổ chức lễ hội Cầu nước vào rằm tháng 4 âm lịch đây là một trong những lễ hội truyền thống được đánh giá là độc đáo nhất trong cả nước. Lễ hội vật cầu nước năm nay thu hút đông du khách đến từ nhiều địa phương trong cả nước, đông nhất phải kể đến là các anh chị em nhiếp ảnh.