Doanh nghiệp tìm kiếm nhiều đơn hàng mới từ thị trường Mỹ
Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ đang sụt giảm sau đại dịch nhưng khó khăn này chỉ trước mắt. Mỹ vẫn là thị trường có nhu cầu tiêu dùng rất lớn.
Hơn một năm qua nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Mỹ sụt giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sụt giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, khó khăn trên là trước mắt bởi Mỹ là thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn và bền vững.
Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác, đơn hàng mới từ thị trường Mỹ, nhất là sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Đánh giá về triển vọng hợp tác với Việt Nam, bà Winie Wong – Phó Chủ tịch Amcham Vietnam cho biết, các nhà đầu tư của Mỹ tiếp tục dành sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực của Việt Nam, trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững, năng lượng xanh. Thứ hai là khai phá tiềm năng của nền kinh tế số với mong muốn mang lại năng lực chuyển đổi số cùng với doanh nghiệp Việt Nam, từ đó mang những công nghệ vượt trội xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số, hội nhập Việt Nam vào thị trường vốn toàn cầu. Thị trường tài chính cởi mở và minh bạch là yếu tố then chốt để duy trì bất kỳ nền kinh tế nào trong dài hạn.
Phân tích sâu hơn, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – chuyên gia cao cấp Đại học Fulbright của Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh : không gian mới đã rộng mở hơn cho quan hệ hợp tác thương mại đầu tư giữa 2 nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Doanh nghiệp Mỹ có thế mạnh lớn về tiềm lực tài chính, nắm giữ nhiều công nghệ nguồn và muốn tìm đối tác để hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng tầm giá trị của các sáng kiến công nghệ.
Ngược lại doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh về nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo tốt. Trong đó, tố chất nổi trội là tư duy logic, có khả năng nắm bắt nhanh công nghệ cao, bao gồm công nghệ bán dẫn. Chuyên gia cao cấp Đại học Fulbright đánh giá nguồn nhân lực ở Việt Nam có thể đáp ứng được những nhu cầu của nhà đầu tư Mỹ và điều này được minh chứng khi Intel hiện diện ở Việt Nam suốt 17 năm qua.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận cơ hội hợp tác đầu tư hay xâm nhập thị trường Mỹ một cách dễ dàng. Thị trường Mỹ vốn dĩ có nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Trong quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi nền kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam và Mỹ, xu hướng tăng trưởng xanh, tiêu chuẩn yếu tố nguyên liệu đầu vào khá cao.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, hiệp hội ngành hàng Việt Nam chắc chắn đặt sự phát triển của mình trong xu hướng phát triển trên. Ngay cả các ngành thâm dụng lao động trước đây, chẳng hạn như dệt may, xanh hoá sản xuất đang trở thành yêu cầu bắt buộc và công nghệ được tăng cường trong sản xuất để giải bài toán, vừa cạnh tranh về giá vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Trên sân chơi chung toàn cầu, doanh nghiệp không chuyển đổi, thích ứng sẽ tự loại ra khỏi cuộc chơi chung.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn