Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL

Theo đó, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp cần tranh thủ chủ trương, chính sách về liên kết vùng để tạo sự kết nối thực chất về nguồn hàng và hoạt động logistics.

Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, toàn vùng ĐBSCL đến nay mới có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm 4,39% cả nước, trong đó, doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp logistics cho nông sản.

Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL

Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) 2023 với chủ đề “Logistics và chuyển đổi số vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) 2023 với chủ đề “Logistics và chuyển đổi số vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Lê Quang Trung nhận định, điểm nghẽn lớn nhất cản trở phát triển kinh tế của ĐBSCL là hệ thống logistics khi chi phí chiếm đến 30% giá thành sản xuất. Hệ thống logistics thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế.

“ĐBSCL đang thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu, thiếu các trung tâm logistics trọng điểm cùng các trung tâm vệ tinh cũng như các đơn vị kiểm định an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Cùng với đó, phần lớn hoạt động logistics mới chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ nên thường gây ra chậm trễ, phát sinh chi phí cao”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam nói.

Lãnh đạo VLA cho rằng, các địa phương, khu vực cần tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi và vận chuyển theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn.

Đồng thời, tăng cường vận tải đa phương thức và phát triển dịch vụ vận tải hàng hoá hàng không để tăng thời hạn sử dụng cho hàng nông thủy sản xuất khẩu. Đầu tư hệ thống nhà kho, kho thông minh kết hợp công nghệ bảo quản hiện đại đáp ứng nhu cầu lưu giữ kết hợp với đóng gói hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL

Phó Chủ tịch VLA Lê Quang Trung nhận định, điểm nghẽn lớn nhất cản trở phát triển kinh tế của ĐBSCL là hệ thống logistics khi chi phí chiếm đến 30% giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp cần tranh thủ chủ trương, chính sách về liên kết vùng để tạo sự kết nối thực chất về nguồn hàng và hoạt động logistics. Nghiên cứu mở thêm tuyến giao thông đường thủy kết nối ĐBSCL với Campuchia và khu vực Cái Mép – Thị Vải sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đến thẳng châu Âu và Hoa Kỳ như thủy hải sản, nông sản…

Thêm nữa, ông Trung cho rằng, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý với các hiệp hội ngành nghề, đặc biệt là các hiệp hội logistics cần tăng cường hợp tác, phối hợp để có thể tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa, giảm chi phí thông qua tối ưu hóa các dịch vụ logistics.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Lê Hải Nguyên, Giám đốc điều hành công nghệ thông tin, Dongtam Group, chủ đầu tư Cảng quốc tế Long An cho rằng, phát triển cảng bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, một xu thế tất yếu không chỉ của các doanh nghiệp khai thác cảng mà còn của chính phủ các nước, các tổ chức hiệp hội quốc tế.

“Cảng Quốc tế Long An kiên định với mục tiêu trở thành cảng xanh, cảng thông minh. Cụ thể liên quan đến: Thúc đẩy cảng xanh, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Ngoài ra, Cảng Quốc tế Long An tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan, tạo sự đồng thuận, thúc đẩy nỗ lực hành động hướng tới mục tiêu chung về phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động Logistics như: Nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh và minh bạch trong vận chuyển.

“Kịp thời nắm bắt xu hướng hội nhập, cải thiện toàn chuỗi giá trị, nâng cao tự động hóa toàn bộ quy trình vận hành và dịch vụ, trở thành cảng xanh, cảng thông minh, Cảng Quốc tế Long An đã vận hành thành công các hệ thống chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, Cảng đã và đang khai thác, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cảng biển và Logistics trọn gói như: Khai thác hàng tổng hợp, container; dịch vụ lưu kho bãi; giao nhận hàng hóa quốc tế; vận chuyển thủy bộ; đại lý hải quan”, ông Nguyên chia sẻ.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button