Doanh nghiệp Nam Định nỗ lực vượt khó

Những tháng đầu năm 2023, ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nam Định đang gồng mình nỗ lực vượt khó và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đồng hành hỗ trợ

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tỉnh thời gian qua khả quan phải kể đến sự tích cực phối hợp, định hướng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo chính quyền các cấp của tỉnh đã trực tiếp đi cơ sở nắm bắt thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là lắng nghe các kiến nghị về các vấn đề vướng mắc, khó khăn để chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền cơ sở hỗ trợ tháo gỡ theo thẩm quyền. Công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường kết nối nắm bắt thông tin về nhu cầu sản xuất và liên kết hỗ trợ nhau cùng đảm bảo nguồn nguyên liệu, lựa chọn đúng mặt hàng người tiêu dùng có nhu cầu, chia sẻ đơn hàng và xác định sát nhu cầu thị trường để sản xuất đủ, giảm tối đa lượng hàng tồn kho, đọng vốn. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định, phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như dệt may, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm….

Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đầu tư cải tiến trang thiết bị máy móc, áp dụng các quy chuẩn, quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, hỗ trợ khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia các hoạt động thương mại điện tử giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với nhau và với người tiêu dùng, khách hàng.

Đáng kể, theo xếp hạng đánh giá chỉ số thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc năm 2023 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố đợt giữa tháng 4-2023, Nam Định xếp thứ 16, đạt 19,2 điểm. Trong đó, chỉ số thành phần về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng của tỉnh đứng vị trí thứ 5, chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đứng vị trí 25…

Doanh nghiệp Nam Định nỗ lực vượt khó

Trong bối cảnh nhiều khó khoăn, các doanh nghiệp Nam Định đang gồng mình nỗ lực vượt khó và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận (ảnh minh họa)

Từ nỗ lực thúc đẩy tham gia các hoạt động thương mại điện tử đã giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp thuận tiện hơn; đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản chế biến, tiêu thụ các sản phẩm OCOP… Những hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu đã không còn dừng lại ở thực địa mà đã được tăng nhanh mức khai thác trên nền tảng công nghệ thông tin, internet.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên tinh thần chính quyền phục vụ, các dịch vụ công trực tuyến đã thực hiện ở cấp độ 4, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng nhanh chóng và thuận lợi; cải cách môi trường kinh doanh cũng được tích cực thực hiện theo hướng rà soát liên tục để phát hiện ngay vướng mắc của doanh nghiệp mà tháo gỡ, kịp thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay vì chờ doanh nghiệp phản ánh, đề xuất rồi mới họp, bàn cách tháo gỡ. Trong bối cảnh khó khăn này, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư công và chú trọng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, từ đó kéo tăng trưởng kinh tế nội tỉnh.

Doanh nghiệp “vượt cạn’’

Theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, bên cạnh sự tích cực hỗ trợ từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng, lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhìn nhận bối cảnh kinh tế năm 2023 là rất khó khăn. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu đầu tư ngắn hạn thay vì dài hạn, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm kế hoạch. Nhóm doanh nghiệp dệt may chịu nhiều tác động tiêu cực bởi suy thoái kinh tế, bị giảm mạnh đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Nhu cầu về sợi trên thế giới giảm khiến giá bán sợi giảm mạnh. Sản xuất các sản phẩm may mặc thiếu đơn hàng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã lường trước khó khăn, chủ động đảm bảo nguyên liệu theo yêu cầu sản xuất và tích cực tìm kiếm, tiếp cận nhanh với các thị trường ngay khi nhận được một dấu hiệu gia tăng, dù nhỏ. Đặc biệt, các doanh nghiệp không nề hà sẵn sàng tìm kiếm và chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, tiếp cận các thị trường ngách và chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để giảm giá thành, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường với mức giá linh hoạt, mềm mại, có sức cạnh tranh nhất song đảm bảo giữ nguyên chất lượng sản phẩm.

Kể cả doanh nghiệp lớn cũng không ngần ngại nhận lại và làm các đơn hàng nhỏ từ các doanh nghiệp bạn cùng ngành nghề với mục tiêu ổn định việc làm, giữ chân người lao động, tránh rơi vào tình trạng khi nhận được đơn hàng lớn lại không có nhân lực sản xuất. Những nỗ lực tự thân đó đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh trụ được trước khó khăn “tứ phía”, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn tìm kiếm thêm được các cơ hội phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ mới.

Những kết quả tích cực này giúp kinh tế quý 1/2023 của tỉnh tăng trưởng 7,70% so với cùng kỳ năm 2022; đây là mức tăng trưởng khá trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước (xếp thứ 7/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và 15/63 tỉnh, thành phố cả nước). Kết quả này càng đáng ghi nhận hơn trong điều kiện năm 2023, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ổn định sản xuất, kinh doanh do Chính phủ quy định đã kết thúc vào ngày 31-12-2022.

Những thành tích đạt được của doanh nghiệp đã minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp, hiệu quả của sự đồng hành giữa chính quyền với doanh nghiệp; qua đó đã gia tăng sự tin tưởng, chủ động gia nhập thị trường, đầu tư mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã được phê duyệt từ phía các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại địa bàn tỉnh. Trong quý I-2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án với tổng số vốn đăng ký 578 tỷ đồng và 6,7 triệu USD (bao gồm 4 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI).

Dự án của doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp tục được đầu tư xây dựng, thi công: Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn thuộc tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định (2022-2024) có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng; nhà máy dệt và may Công ty TNHH Ramatex Nam Định tổng mức 1.814 tỷ đồng; xưởng nhuộm tấm Công ty Cổ phần Dệt Nhuộm SUNRISE…

Trong quý 1/2023, nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo đơn hàng sản xuất, số lượng đơn hàng mới tiếp tục tăng, mặt khác chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào thông suốt, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.

Hiện nay, dù đang đối mặt với việc các đơn hàng tiếp tục sụt giảm nhưng với niềm tin vào triển vọng dài hạn, hiện các doanh nghiệp dệt may tiếp tục gia tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng, trong cung ứng nguyên liệu đầu vào với sản xuất. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để đảm bảo tiết kiệm chi phí, đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các đối tác mua hàng; bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu; tiếp tục mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới, cân đối lượng hàng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo lưu thông dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm…

Doanh nghiệp Nam Định nỗ lực vượt khó

Sản xuất giấy in nhiệt tại Công ty TNHH Đầu tư Linh Giang (ảnh báo Nam Định)

Được biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý 1/2023 duy trì mức tăng trưởng khá, tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,31%. Theo ông Phạm Đình Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, trong những năm qua các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá như: Ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử tăng bình quân khoảng 16,8%/năm; ngành dệt may, da giày tăng bình quân 14%/năm.

Ngoài ra, tỉnh đang tập trung phát triển, tăng tỷ trọng sản phẩm các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại; giá trị gia tăng cao và có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, công nghiệp dệt, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may…

Theo ông Nghị, Nam Định quyết tâm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình trăng trưởng, tái cơ cấu, chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp

Thời gian tới, dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, điều này có thể sẽ kéo theo nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng chậm theo, dù quý 1/2023 Nam Định vẫn là một trong những tỉnh “giữ phong độ” tốt. Dù vậy, các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh vẫn tin tưởng cùng với việc gia tăng các giải pháp hỗ trợ tích cực, kịp thời từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng các doanh nghiệp và người lao động sẽ vững vàng hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button