Doanh nghiệp logistics và cảng biển lên tiếng “gỡ khó” về PCCC

Theo Hiệp hội Visaba, tiêu chuẩn và chi phí PCCC quá cao trong khi doanh nghiệp đang phải “vật lộn” với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, thiếu hụt đơn hàng, lãi suất cao…

Bỏ quy định trang bị xe và tàu chữa cháy riêng cho doanh nghiệp cảng

Trong thư gửi Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) nhằm đề xuất một số ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cho biết, quy định bắt buộc trang bị xe chữa cháy, tàu chữa cháy đối với từng cảng biển (bắt buộc trang bị 2 xe chữa cháy và 1 tàu chữa cháy đối với cảng biển loại đặc biệt và loại I; bắt buộc trang bị 1 xe chữa cháy và 1 tàu chữa cháy đối với cảng biển loại II) là không hợp lý và gây nên sự lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn.

Doanh nghiệp logistics và cảng biển lên tiếng

Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam gửi công văn tới VCCI nhằm đề xuất một số ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Ông Phạm Quốc Long – Chủ tịch Hiệp hội đại lý, môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (Visaba) lí giải: Từ khi quy hoạch xây dựng cảng biển, các doanh nghiệp cảng biển đã đầu tư đầy đủ họng nước chữa cháy và bơm chữa cháy, đảm bảo tốt cho công tác PCCC. Chi phí đầu tư mới các phương tiện chữa cháy cơ giới này rất cao, lên đến cả trăm tỷ đồng cho mỗi cảng, chưa bao gồm chi phí duy trì vận hành, bảo dưỡng và nhân lực hàng năm. Yêu cầu nhân sự trong đội chữa cháy chuyên ngành phải có chuyên môn đặc thù về vận hành tàu, xe chữa cháy, điều này gây nên rất nhiều khó khăn và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp khi triển khai đáp ứng quy định này. Nếu mỗi doanh nghiệp cảng đều phải tự trang bị xe, tàu chữa cháy thì phương tiện tương tự tại các đơn vị chuyên ngành đặc thù như Công an PCCC sẽ không được phát huy hiệu quả, gây nên sự dư thừa, lãng phí xã hội rất lớn.

Theo đó, Visaba đề xuất nên bãi bỏ quy định về trang bị xe và tàu chữa cháy riêng tại từng doanh nghiệp cảng biển. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp cảng thuộc cùng 1 khu vực, cụm cảng được sử dụng chung phương tiện xe, tàu chữa cháy. Các phương tiện này sẽ do cơ quan nhà nước (Cảng vụ, Công an PCCC) tại từng khu vực cảng biển đảm nhận trang bị và thu phí (nếu có sự cố xảy ra). Đối với các khu vực cảng trọng điểm, đề xuất Công an PCCC cần đảm bảo năng lực thiết bị xe và tàu chữa cháy và bố trí chốt trực 24/7 để hỗ trợ doanh nghiệp tại khu vực.

Giảm gánh nặng trang thiết bị PCCC cho doanh nghiệp logistics

Đối với các doanh nghiệp logistics và kho vận, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam đề xuất, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần có giải pháp đồng bộ và lộ trình triển khai áp dụng theo từng giai đoạn để giảm gánh nặng chi phí trang bị thiết bị, vật liệu PCCC cho doanh nghiệp. Có sự điều chỉnh lại quy định, chỉ áp dụng một số loại vật liệu chống cháy đặc biệt cho các kho đặc thù, chuyên dụng (kho chứa hóa chất, xăng dầu, vật liệu dễ cháy nổ…), không bắt buộc đối với các kho chứa hàng tiêu dùng, hàng xuất nhập khẩu thông thường.

Song song với đó, bãi bỏ quy định về việc xin thẩm duyệt PCCC khi thay đổi tính chất sử dụng cơ sở, hạng mục trong cơ sở đối với một số loại hình doanh nghiệp đặc thù như logistics nếu việc thay đổi này không ảnh hưởng đến an toàn PCCC. Bổ sung cơ sở quy định và đánh giá tính hiệu quả của việc lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động (về mặt chi phí và hiệu quả chữa cháy) cũng như hướng dẫn chi tiết về lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động đối với hệ thống giá kệ trong kho.

Doanh nghiệp logistics và cảng biển lên tiếng

Theo Hiệp hội Visaba, tiêu chuẩn và chi phí PCCC quá cao trong khi doanh nghiệp đang phải “vật lộn” với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, thiếu hụt đơn hàng, lãi suất cao…

Lí giải cho những đề xuất này, theo Chủ tịch Hiệp hội Visaba, quy chuẩn PCCC hiện nay (TCVN 3890:2023) quy định bổ sung một số loại vật liệu mới như kính chống cháy, sơn chống cháy, thạch cao chống cháy… Tại Việt Nam, có rất ít doanh nghiệp sản xuất các loại vật liệu chống cháy này, do đó giá thành sản phẩm bị đẩy lên rất cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vật liệu chống cháy chất lượng với giá thành phù hợp.

Thêm vào đó, với đặc thù của ngành, kho bãi tại các doanh nghiệp logistics thường xuyên được điều chỉnh công năng, tính chất sử dụng (như lắp vách ngăn, lắp văn phòng…) để phù hợp với nhu cầu và từng đối tượng khách hàng. Khi có sự thay đổi công năng, tính chất sử dụng kho bãi, doanh nghiệp đều phải xin thẩm duyệt về PCCC và phải áp dụng QCVN 06:2022 trong phạm vi các cải tạo đó. Điều này gây phát sinh chi phí rất lớn và ảnh hưởng thời gian hoạt động kho bãi của doanh nghiệp.

Về lắp hệ thống chữa cháy tự động cho nhà kho, các nhà kho có giá kệ trên 5,5m (không phụ thuộc vào quy mô) thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động và hệ thống báo cháy tự động. Tuy nhiên, các quy định trong Tiêu chuẩn lại chưa thể hiện rõ hướng dẫn việc lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ, Bộ công an cũng đã rất tích cực tháo gỡ các khó khăn về PCCC cho các doanh nghiệp và bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCCC cũng như việc thực thi các văn bản pháp luật về PCCC. Các doanh nghiệp luôn cố gắng tuân thủ triển khai hệ thống PCCC theo quy định và đóng phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, với những quy định mới như hiện nay thì chúng tôi nhận thấy tiêu chuẩn và chi phí PCCC của các doanh nghiệp bị đẩy lên quá cao trong khi doanh nghiệp phải vật lộn với những khó khăn do khủng khoảng kinh tế, thiếu hụt đơn hàng, lãi suất cao…Vì vậy rất cần các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh các văn bản pháp quy cho phù hợp với tình hình thực tế”, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam Phạm Quốc Long nhấn mạnh.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button