Doanh nghiệp liên tiếp gặp khó, tăng trưởng kinh tế “trông” vào đâu?

Doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam là nền kinh tế mở, dễ dàng chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài. Hiện tại, chính sách tiền tệ các nước đang thắt chặt để chống lạm phát. Cộng hưởng thêm là ảnh hưởng từ xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, dịch bệnh, thiên tai… làm đứt gãy các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp liên tiếp gặp khó, tăng trưởng kinh tế “trông” vào đâu?

Doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn.

Điểm nghẽn “kìm chân” doanh nghiệp

Bộ trưởng nhận định doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.

Thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ cố gắng tháo gỡ dòng tiền để doanh nghiệp có tiền trả nợ đến hạn, đóng thuế, trả lương cho nhân viên, dùng làm vốn lưu động… Còn một vấn đề nữa là tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nhiều địa phương chậm giải quyết các thủ tục hành chính kiến các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn. Điều này cản trở hoạt động doanh nghiệp, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

“Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm lại việc giải quyết công việc. Điều này làm khó khăn thêm cho nền kinh tế. Các địa phương cần nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 3,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 8,9% của năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của khối doanh nghiệp tư nhân chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 9,1% của năm 2022. Như vậy, vấn đề vốn để phát triển kinh tế tăng trưởng thấp không chỉ diễn ra ở khu vực kinh tế tư nhân mà còn là tình trạng chung của cả nền kinh tế. Trong đó, hết 4 tháng đầu năm, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành chỉ đạt 25.466 tỷ đồng, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm 2022; tăng trưởng tín dụng chỉ đạt gần 3% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,24% cùng kỳ năm trước).

Khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 4/2023 trên gần 10.000 doanh nghiệp mới đây cho thấy, có 82.3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, những khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp là khó khăn về đơn hàng (59.2%), khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51.1%), thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45.3%), nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31.1%).

Trước đó, kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM đến cuối tháng 2/2023 cho thấy 83% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, các khó khăn chủ yếu bao gồm: lãi suất cao và biến động tỷ giá mạnh; thị trường bị thu hẹp; khó tiếp cận vốn, thủ tục vay vốn phức tạp, mất nhiều thời gian; hàng tồn kho nhiều; giá nguyên liệu đầu vào tăng; chi phí nhân công tăng. Đáng nói, doanh nghiệp ở nhiều ngành sản xuất chủ lực đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Đó là tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, cạn kiệt dòng tiền. Điều này khiến phần lớn doanh nghiệp phải chật vật duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng quan điểm, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, nền kinh tế đang chậm lại do đang phải đối mặt với tác động bên ngoài khi xuất khẩu sang Mỹ, EU giảm.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của Việt Nam trong năm nay có thể sẽ gặp phải những khó khăn. Nói như Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Thách thức các quý tới là rất khó khăn bởi để đạt được mục tiêu chung 6,5% cả năm 2023 thì các quý tới phải đạt trung bình 7,5%. Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, giải quyết nhiều ách tắc, tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng”.

Hai yếu tố phục hồi

Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới cho rằng, vẫn có hai điều tích cực. “Đó là dù xuất khẩu chậm lại nhưng nhu cầu trong nước vẫn đang mạnh mẽ, doanh số bán lẻ tiếp tục ổn định. Số liệu tháng 4 cho thấy mức tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ, đây là con số khá tốt. Điều thứ hai là chúng tôi hi vọng đến nửa cuối năm tăng trưởng sẽ bền vững hơn khi kinh tế Mỹ, EU bắt đầu phục hồi thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ phục hồi”, bà Dorsati Madani nhận định.

Doanh nghiệp liên tiếp gặp khó, tăng trưởng kinh tế “trông” vào đâu?

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của Việt Nam trong năm nay có thể sẽ gặp phải những khó khăn.

Cũng phân tích về các yếu tố mà Việt Nam có thể kỳ vọng để tình hình bớt khó khăn hơn trong nửa cuối năm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng có thể “trông” vào 2 yếu tố.

Yếu tố thứ nhất, khả năng suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế yếu đi, một số quốc gia phục hồi tốt hơn so với dự báo và thứ hai là áp lực lên tỷ giá, lạm phát giảm đi.

Theo TS Võ Trí Thành, có thể thấy rất rõ, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, vì vậy mọi hoạt động của nền kinh tế toàn cầu đều có thể tác động đến Việt Nam. Năm nay, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ suy thoái, song nếu suy thoái nhẹ hoặc thoát khỏi suy thoái, hạ cánh mềm thì Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội trong nửa cuối năm.

“Thực tế cho thấy rất rõ là đơn đặt hàng xuất khẩu có sự suy giảm, thậm chí rất khó khăn trong giai đoạn hiện tại nhưng nếu nền kinh tế thế giới suy giảm không nặng nề như dự báo hoặc vận động theo chiều hướng tốt lên thì doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định.

Ông Thành cho rằng, xuất khẩu giảm sút ở nửa đầu năm nhưng hoàn toàn có thể phục hồi ở nửa cuối năm nếu có đơn hàng trở lại. Việt Nam có thể kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái nhẹ hơn khi ngày càng nhiều quốc gia phục hồi tốt hơn so với dự báo ban đầu.

Giáo sư David Dapice, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Trung tâm Ash, Đại học Harvard cũng lạc quan nhận định: “Tôi nghĩ rằng tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn là không tệ. Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Nguồn nhân lực dồi dào sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Vì vậy, trong một hoặc hai năm tới, tôi nghĩ mọi thứ sẽ được cải thiện đáng kể”.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button