Doanh nghiệp “hiến kế” để Quảng Ninh thành Trung tâm logistics khu vực
Cần cơ chế thu hút đầu tư phát triển Quảng Ninh thành trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Trao đổi với DĐDN bên lề Hội nghị “Phát triển Dịch vụ Logistics tỉnh Quảng Ninh” được tổ chức mới đây, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đơn vị đầu tư Cảng Container Cái Lân cho rằng, dù đã làm rất nhiều, nhưng Quảng Ninh cần làm nhiều hơn để có nguồn hàng ổn định cho các hệ thống cảng biển.
“Điểm nghẽn” nguồn hàng và kết nối
Theo đó, Quảng Ninh là địa phương có quy hoạch dài hạn về hệ thống cảng biển và hạ tầng logistics tương đối hoàn chỉnh, thể hiện rõ tính chiến lược kết nối với thị trường Trung Quốc và các thị trường lân cận trong khu vực, tận dụng lợi thế của cả 5 loại hình vận tải “sắt – sông – biển – bộ – hàng không” với hạ tầng giao thông hiện đại.
“Tuy nhiên, Quảng Ninh phải có những kế hoạch triển khai cụ thể để các ICD (cảng cạn, cảng nội địa) đủ tâm, đủ tầm cho hãng tàu đưa vỏ container rỗng của mình vào, điều này hiện nay Quảng Ninh chưa có. VIMC đánh giá rất cao cảng Vạn Ninh đã bắt đầu nghiên cứu để làm sao khu vực Quảng Ninh, cảng Vạn Ninh cũng sẽ là 1 hub về hàng nông sản chính ngạch”, ông Trung chỉ ra.
Đáng lưu ý, Phó Tổng VIMC kiến nghị, tỉnh Quảng Ninh cũng cần nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng của Quảng Ninh.
“Cụ thể, về nguồn hàng của địa phương vẫn còn hạn chế, rõ ràng tỉnh cần làm nhiều hơn nữa để thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp cũng như mở rộng các nền tảng sẵn có tạo thành vùng thị trường hấp dẫn của khu vực. Về kết nối, vẫn còn thiếu những cơ chế chính sách thu hút trực tiếp các hãng tàu vào cảng biển của Quảng Ninh”, ông Trung chia sẻ.
Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế về hệ thống sân bãi, kho hàng quy mô, thiết bị vận chuyển, công nghệ mới…
Tỉnh cũng cần tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới. Đồng thời, cần có hành lang pháp lý đầy đủ để đảm bảo cho các mô hình kinh doanh logistics mới trong thời đại kinh tế số như hiện nay…
Là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, tạo đột phá. Trong đó đặc biệt là 2 Đề án xây dựng thí điểm các chính sách triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) và Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
Với Đề án này sẽ có 6 trung tâm logistics lớn trong tỉnh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị và phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển, quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các DN uy tín đến với tỉnh Quảng Ninh, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế có chất lượng cao, đáp ứng khả năng chuyển đổi số, kinh tế số… Mục tiêu của Quảng Ninh là phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN trong tương lai gần.
Xu hướng phát triển “logistics xanh”
Trong khi đó ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Đông Nam Á (AFFA) nhấn mạnh tới việc phát triển “logistics “xanh” là phù hợp với định hướng phát triển chung của Quảng Ninh.
Theo đó, ông Khoa phân tích, phát triển dịch vụ “logistics xanh” gắn liền, song hành và tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ du lịch sẽ là định hướng đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó, tỉnh nên ưu tiên chú trọng dịch vụ vận tải đa phương thức kết nối đường biên, đường bộ và đường thủy nội địa, vốn là những thế mạnh của Quảng Ninh trong Vùng kinh tế trọng điểm sông Hồng và kết nối với khu vực phía Nam Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái để tập trung phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ logistics đầy tiềm năng.
Tỉnh cần đẩy mạnh hình thành và phát triển các khu vực kho bãi, dịch vụ logistics tại khu kinh tế cửa khẩu, KCN, các cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu; tận dụng lợi thế về địa lý, có đầy đủ 5 loại hình vận tải kết nối trong nước, khu vực và ưu thế trong kết nối các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ, cầu nối thương mại giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó tỉnh Quảng Ninh cũng cần có các chính sách cụ thể ưu đãi khuyến khích đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư phát triển dịch vụ logistics đồng bộ, hiện đại, nhất là kết cấu hạ tầng logistics cứng và mềm. Bên cạnh các chính sách chung của Trung ương, tỉnh cũng cần có chính sách riêng của mình, trước hết tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dịch vụ logistics; thúc đẩy phát triển nhanh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của tỉnh; học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics quốc tế, trong đó có các nước thành viên ASEAN…
Cùng quan điểm, ông Richard Suzflak, Giám đốc DPWorld Việt Nam cũng nhấn mạnh tới xu hướng phát triển “logistics xanh” của toàn cầu mà Quảng Ninh cần hướng đến.
“Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi khuyến nghị Quảng Ninh nên phát triển logistics theo hướng này thông qua các giải pháp quan trọng sau: Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng các trung tâm logistics đẳng cấp nhất tại các địa điểm quan trọng với một hệ sinh thái cho phép thương mại phát triển mạnh; xây dựng khu kinh doanh hoặc khu công nghiệp ngay bên cạnh bến tàu mà DPWorld vận hành. Những điều này sẽ tạo điều kiện cho người thuê hưởng lợi từ chi phí logistics cực thấp và cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Và chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ Quảng Ninh trong việc thúc đẩy phát triển logistics theo định hướng mà tỉnh đề ra”, Giám đốc DPWorld Việt Nam kiến nghị.