Doanh nghiệp dệt may, da giày “đói” đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết chỉ có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 4, trong khi năm trước có tới tháng 12. Doanh nghiệp lo lắng khủng hoảng kinh tế kéo dài tiếp tục tác động tiêu cực.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), các doanh nghiệp trong Tập đoàn cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4, trong khi năm trước tới tháng 12.

Doanh nghiệp dệt may, da giày “đói” đơn hàng

Các doanh nghiệp trong Tập đoàn cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4.

Đáng lưu ý, cập nhật từ các dự báo, phân tích của các tổ chức trong nước và thế giới, nhu cầu dệt may thế giới trong năm nay sẽ giảm 6 – 10%, từ 757 tỷ USD xuống còn 712 tỷ USD, thậm chí còn 687 tỷ USD.

Tức là ở kịch bản đầu tiên, thế giới sẽ giảm 45 tỷ USD mua hàng hóa dệt may, nặng hơn nữa có thể giảm chi tới 70 tỷ USD. Cầu giảm mạnh vài chục tỷ USD, thì các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn như Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên.

Không riêng với Vinatex, nhiều doanh nghiệp dệt may xác nhận gặp khó trong hoạt động sản xuất và “đói” đơn hàng. Theo đó, doanh nghiệp cho biết đơn hàng cho quý II vẫn cực khó, chỉ đủ cho hết tháng 4, trong khi năm 2022 đã có đến nửa năm, thậm chí quý III.

Các doanh nghiệp đều có chung nhận định, lúc này, thị trường thế giới chưa có tín hiệu phục hồi, thậm chí khả năng quay lại của lạm phát vẫn cao. Đáng lưu ý, việc Trung Quốc quay trở lại sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa…Những yếu tố này càng làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may, giày dép trong nước khó chồng khó.

Trên thực tế, thống kê quý I/2023, hàng dệt may giảm 17,4%, vải mành giảm 12,4%, xơ sợi giảm 33,9%, trong khi giày dép các loại giảm 18,6% so với cùng kỳ.

Trong khi trước đó, thống kê quý I/2022, ngành dệt may mang về 8,711 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, xơ sợi cũng góp 1,45 tỷ USD, giày dép mang về 5,3 tỷ USD, vải mành kỹ thuật 217 triệu USD…, nhưng quý I/2023 cục diện đã khác đi nhiều, như vậy tổng kim ngạch xuất khẩu  hàng dệt may, xơ sợi, vải mành cho tới giày dép đã bị “bay hơi” khoảng 3 tỷ USD.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May-Thêu-Đan Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày vẫn đang tiếp tục tìm kiếm đơn hàng sản xuất cho đến tháng 6/2023, vì hiện nay tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Khả năng phải đến quý II/2023, hoạt động kinh doanh mới thật sự khởi sắc.

“Hiện nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp có đơn hàng, 30% doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất khi có đơn hàng mới”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Tình hình khó khăn của doanh nghiệp dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp dệt may.

Doanh nghiệp dệt may, da giày “đói” đơn hàng

Nhu cầu dệt may thế giới trong năm nay sẽ giảm 6 – 10%, từ 757 tỷ USD xuống còn 712 tỷ USD, thậm chí còn 687 tỷ USD.

Ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, quý I năm nay, số đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm từ 25%-27% do sức mua toàn cầu giảm, doanh nghiệp làm hàng gia công chịu áp lực lớn hơn đơn vị làm FOB (mua vật liệu, sản xuất, bán sản phẩm) do không chủ động được thị trường, đầu vào nguyên nhiên liệu…

Hiện, các nhà mua hàng không đặt đơn hàng dài hạn, hàng chục nghìn sản phẩm như trước, họ chỉ đặt đơn hàng ngắn, vài trăm sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn nhằm giữ nhịp độ sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp da giày cũng đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Nhận định về tình hình xuất khẩu năm 2023, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho rằng, từ quý IV/2022, những ngành xuất khẩu, trong đó có da giày, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới.

Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày.

“Dự kiến phải đến hết quý II/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng, cũng như lao động của ngành da giày. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành”, bà Xuân chia sẻ.

Dù đang đối diện với khó khăn song các doanh nghiệp đang kỳ vọng đơn hàng sẽ nhiều hơn vào quý II và 6 tháng cuối năm. Một yếu tố quan trọng làm nền tảng cho ngành dệt may tăng trưởng là năng lực chủ động cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước.

Hiện, ngành dệt may đã chủ động từ khoảng 50% nguồn cung nguyên phụ liệu. Do đó, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu thuận lợi cả năm nay và có thể đạt kim ngạch 48 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Đứng trước những khó khăn hiện hữu và qua tổng hợp đánh giá tình hình từ nhiều doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhiều chủ doanh nghiệp đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động khi mà theo dự báo tình trạng khó khăn này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý II tới.

Điều quan tâm nhất của doanh nghiệp là, Chính phủ và ngành ngân hàng, tài chính nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế hoặc rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề về thủ tục.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button