Doanh nghiệp dễ “mất điểm” vì chưa kịp bắt trend bao bì sản phẩm

Để đưa được hàng hoá vào hệ thống phân phối hiện đại, các nhà sản xuất, cung ứng cần đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu khách hàng và thị trường.

Cơ hội mở rộng thị phần

Yêu cầu của các nhà phân phối lớn đưa ra với các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá ngày càng cao và khắt khe hơn. Tuy nhiên, đây là cơ hội để doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, quy trình sản xuất, chiến lược kinh doanh, cải tiến chất lượng, mẫu mã đáp ứng tiêu chuẩn thị trường và nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tư duy sản xuất theo thị trường dần dần thay thế cho thói quen kinh doanh lâu nay: “bán cái mình có chứ không phải thị trường cần”.

Vấn đề này một lần nữa lại được “xới xáo” tại hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung ứng khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Doanh nghiệp dễ “mất điểm” vì chưa kịp bắt trend bao bì sản phẩm

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp từ sự kết hợp sản xuất với nhà phân phối hiện đại

Đại diện nhiều nhà phân phối lớn tại Việt Nam đều nhấn mạnh việc ưu tiên hàng đầu là kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá trong nước. Nguồn hàng này đảm bảo các tiêu chí: sẵn có, dễ dàng trong vận chuyển, lưu trữ và nguồn cung đa dạng. Hiện tại, ngoài hệ thống phân phối nội địa, các trung tâm thương mại của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, hàng sản xuất trong nước chiếm đến 90%.

Ông Furusawa Yasuyuki – đại diện tập đoàn AEON Việt Nam cho biết, ngoài phân phối, AEON hợp tác với các nhà sản xuất trong nước để phát triển các sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng chất lượng, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn của AEON. Nhiều sản phẩm được nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ năm 2017 – 2022, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đạt hơn 2 tỷ USD. Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm, AEON cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm thời trang, gia dụng, và sản phẩm chăm sóc sức khỏe sắc đẹp được sản xuất tại Việt Nam ra nước ngoài.

Trong thời gian tới, AEON và một số nhà phân phối lớn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác theo xu hướng trên và mở rộng các mặt hàng khác. Điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước, các hợp tác xã, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP.

Nhà sản xuất chuyển động theo thị trường

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với việc bán hàng vào siêu thị, kể cả một số doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm đường mở rộng thị phần trong nước. Một trong những nguyên nhân chính, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hệ thống phân phối yêu cầu quá nhiều thủ tục, thậm chí phải chuẩn đến việc đóng gói, bao bì từng mớ rau, cân thịt…

Doanh nghiệp dễ “mất điểm” vì chưa kịp bắt trend bao bì sản phẩm

Nhu cầu khách hàng thay đổi, doanh nghiệp cần nhanh nhạy tìm hiểu và thích ứng

Trao đổi về vấn đề này, đại diện một số hệ thống phân phối lớn cho biết, sau đại dịch thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi, hướng tới mua sắm sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp và tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Vì thế, các hệ thống phân phối luôn quan tâm và đặt các tiêu chí này lên hàng đầu đối với sản phẩm trong nước.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương – đại diện Central Retail cho biết, Central Retail đưa ra tiêu chuẩn thấp nhất cho sản phẩm bán tại hệ thống là phải đạt tiêu chuẩn VietGap nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan quản lý. Tính minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ là yêu cầu nhằn tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng, ngay cả khi mua một bó rau hay cân thịt tại hệ thống.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc siêu thị công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam cho rằng, hiện khách hàng đều quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nên quy trình kiểm soát hồ sơ của Lotte Việt Nam phải khắt khe hơn. Về cơ bản, tất cả các hồ sơ chào hàng đều đưa ra các quy định giống quy định của nhà nước nhưng thực tế, giấy tờ hồ sơ của nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME thường không đứng phom mẫu nên sẽ mất nhiều thời gian hoàn thiện hoặc bị trả lại.

Trong khi xu thế tiêu dùng đã và đang thay đổi thì không ít doanh nghiệp chưa cập nhật bắt kịp trend (xu hướng) của thị trường về mẫu mã, bao bì nên khó qua khâu kiểm duyệt chào hàng. Mặt khác, doanh nghiệp SME khó đảm bảo về khâu vận chuyển (thực phẩm tươi sống đảm bảo nhiệt độ giữ chất lượng) cũng như sản lượng không đáp ứng đều và đủ từ yêu cầu của nhà phân phối nên kết nối không bền.

Đồng hành kết nối đưa hàng Việt lên kệ siêu thị, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận thấy, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần phải đánh giá thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, nhà phân phối để xác định sản phẩm phù hợp hoặc hoàn thiện về cách làm marketing, quy trình sản xuất, đóng gói…

Bài Viết Liên Quan

Back to top button