Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Động lực từ xuất khẩu rau quả

Xuất khẩu rau quả lại có kết quả khả quan và được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy cả ngành nông sản tăng trưởng xuất khẩu.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhấn mạnh, rau quả lạc quan, dự kiến đạt con số xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2023, góp phần “về đích” mục tiêu xuất khẩu 53 tỷ USD của cả ngành nông sản năm 2023.

Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Động lực từ xuất khẩu rau quả

– Trong bức tranh kém sắc về xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản những tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả nổi lên là “ngôi sao hy vọng” của ngành nông nghiệp, lý do là gì, thưa ông?

Trải qua những đợt dịch Covi-19 và khủng hoảng kinh tế 4 tháng đầu năm cho thấy, ngay cả những thời điểm khó khăn của sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hoá, ngành rau quả có sụt giảm nhưng không nhiều so với các ngành khác. Đặc biệt 4 tháng đầu năm 2023, dù nhiều trụ cột của ngành nông nghiệp sụt giảm thì ngành rau quả vẫn tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị xuất khẩu gần 1,4 tỷ USD. Điều này nói lên rau quả là mặt hàng thiết yếu với người tiêu dùng và không thể thiếu trong mọi hoàn cảnh, khẳng định tiềm năng của rau quả đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Đạt được kết quả này, ngành rau quả đã giữ được sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – đây là thị trường chính của xuất khẩu rau quả Việt Nam và cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Những quốc gia sản xuất nông sản xa xôi như Nam Phi, Nam Mỹ vẫn mang rau quả tới thị trường Trung Quốc, trong khi đó chúng ta lại có lợi thế vị trí, logistics với thị trường này nên không có lý do gì chúng ta không chú trọng.

– Vậy thị trường Trung Quốc và các thị trường nào sẽ là động lực tiếp tục cho ngành rau quả tăng trưởng những tháng cuối năm, thưa ông?

Thực tế, ngành rau quả Việt Nam mới phát triển mạnh khoảng 5 năm gần đây, nhưng lại mất 3 năm dịch Covid-19 nên quá trình có chậm lại. Năm 2022, ngành rau quả đạt con số xuất khẩu hơn 3,3 tỷ USD, năm nay chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20% tương đương khoảng 4 tỷ USD. Bên cạnh Trung Quốc thị thị trường Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông cũng sẽ là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu rau quả.

Điều đáng nói hiện nay là tất cả các thị trường, bao gồm cả thị trường Trung Quốc, vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm đang là thách thức khi xuất khẩu rau quả. Theo đó, chúng ta phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định của từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng… Vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành hàng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng thị trường.

Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Động lực từ xuất khẩu rau quả

– Trong sự lạc quan về xuất khẩu rau quả, đang có sự lên ngôi của mặt hàng mới là trái sầu riêng, thưa ông?

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc nổi đình đám nhất hiện nay là sầu riêng. Tuy kim ngạch chưa bằng các mặt hàng khác nhưng là “ứng cử viên” sáng giá sẽ vượt qua con số xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm nay.

Hiện tại, chúng ta mới chỉ có thanh long đạt con số tỷ USD này. Nhưng sầu riêng được đánh giá thậm chí có thể đạt con số 2 tỷ USD trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, “ứng cử viên” nặng ký khác là mặt hàng chuối. Đây là 1 trong 10 mặt hàng rau quả thị trường Trung Quốc ưa thích. Chúng ta đã bắt đầu chú trọng đúng mực an toàn thực phẩm chuối nên con số xuất khẩu tăng trưởng rất nhanh và tương lai mặt hàng này sẽ đạt 600 – 700 triệu USD. Mít cũng là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong năm nay.

– Xin cảm ơn ông!

Bài Viết Liên Quan

Back to top button