Điện tăng giá, doanh nghiệp gặp khó khăn kép
Đã có không ít doanh nghiệp từng hy vọng trong quý 4/2023 tình hình kinh tế sẽ khởi sắc, nhưng thực tế việc điện tăng 4,5% từ ngày 9/11 khiến các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn gặp khó khăn kép.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Theo các chuyên gia điện công nghiệp: Ước tính chi phí điện chiếm khoảng 10-15% giá thành sản xuất đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng. Do đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, tương đương tăng 4,5% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) kể từ ngày 9/11 khiến các đơn vị sản xuất xi măng gặp khó khăn kép.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất và tiêu thụ xi măng vẫn chưa hết khó khăn. Giá đầu vào sản xuất xi măng đã tăng lên khi giá điện tăng lần thứ nhất của năm 2023 với mức 3%, trong khi đó giá than vẫn duy trì ở mức cao. Nay với mức tăng lần 2 của giá điện là 4,5%, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xi măng sẽ khó càng thêm khó.
Năm 2023, nguồn cung xi măng trong cả nước khoảng 117,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ từ 68 – 68,5 triệu tấn, nên cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục. Các công trình, dự án cũng chậm triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… Thị trường xuất khẩu xi măng, clinker cũng có nhiều khó khăn… Đó là nguyên nhân khiến Công ty TNHH một thành viên Vicem Hoàng Thạch phải tạm dừng hoạt động dây chuyền I từ ngày 18/1/2023 đến nay.
Ông Lê Văn Định – Giám đốc Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho rằng để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, việc đầu tiên là phải tổ chức sản xuất một cách tốt nhất nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí khác để bù lại. Bài toán đặt ra phải tối ưu chi phí sản xuất, sử dụng điện tiết kiệm. Theo ông Định năm 2023 có thể nói là thời gian khó nhất từ trước đến nay của ngành sản xuất xi măng. Các khâu sản xuất sử dụng nhiều điện năng đều được tăng cường hoạt động trong giờ thấp điểm.
Được biết, không riêng gì xi măng, nhiều ngành đều đang đối phó với khó khăn kéo dài từ 2022 đến nay và thậm chí còn tiếp diễn đến sang năm. Với doanh nghiệp xi măng, hiện tại cần giữ được đội ngũ lao động, duy trì sản xuất.
Việc giữ được sự ổn định rất quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng lúc này. Vì lao động ngành xi măng có đặc thù riêng, rất khác với những ngành nghề khác là có thể sử dụng lao động thời vụ.
Theo đại diện Công ty CP Bơm Hải Dương, năm nay cũng là một năm khó khăn. Do thị trường đầu ra không bằng năm trước nên doanh nghiệp xác định kế hoạch doanh thu chỉ trên 800 tỷ đồng, bằng khoảng 80% năm 2022. Giá điện tăng sẽ gia tăng khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này. Ông Nghiêm Trọng Văn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bơm Hải Dương chia sẻ: “Điện tăng giá 4,5% sẽ tăng giá thành sản xuất. Việc cạnh tranh trên thị trường sẽ khó khăn hơn, nhất là thị trường xuất khẩu, với các sản phẩm cơ khí gia công, phôi đúc”.
Vượt khó…
Trước tình huống này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm giải pháp để tự vượt qua khó khăn. Ông Nghiêm Trọng Văn – Công ty CP Bơm Hải Dương chia sẻ: “Bài toán đặt ra cho chúng tôi là phải tối ưu chi phí sản xuất, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc sử dụng “công tơ 3 giá”, huy động sử dụng máy móc, thiết bị một cách hợp lý…”.”Công tơ 3 giá” có nghĩa là sản xuất vào 3 khung giờ, trong đó hạn chế tối đa vận hành vào giờ cao điểm, nhất là ở xưởng đúc.
Để thực hiện, Công ty CP Bơm Hải Dương phải bố trí nhân lực, ca kíp sản xuất vào giờ thấp điểm. Doanh nghiệp động viên người lao động khắc phục hoàn cảnh riêng khi phải làm việc vào giờ thấp điểm. Mặt khác, công ty cũng tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại, đồng thời thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nhiên liệu.
Để vượt qua giai đoạn này, Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công đã chủ động cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất nhằm hỗ trợ giảm giá thành sản xuất và giảm tiêu hao điện. “Chỉ cần tiết kiệm 2-3 số điện cho 1 tấn sản phẩm thì cũng có thể bù được mức tăng giá điện. Nhưng việc tối ưu để tiết kiệm điện trên 1 tấn sản phẩm cũng chỉ có giới hạn. Do đó, chúng tôi phải tính toán để tối ưu mỗi thứ một tí chứ không thể trông chờ hết vào yếu tố nào”, ông Lê Văn Định phân tích.
Công ty CP Bia Hà Nội – Hải Dương cũng là một điển hình trong tiết kiệm nhiên liệu nói chung, điện năng nói riêng để giảm giá thành sản phẩm. Công ty sử dụng thiết bị biến tần ở một số khâu trong quy trình sản xuất. Không chỉ tiết kiệm điện ở các khâu sản xuất chính, đơn vị cũng đã nghiên cứu, sử dụng nguồn năng lượng thay thế điện năng ở khâu phụ trợ.
Đồng thời sử dụng nhiều thiết bị đo đếm điện thông minh và thiết lập một mạng giám sát để có thể kiểm soát được mức độ tiêu hao điện năng đến từng ca, từng tổ và từng máy sản xuất, từ đó điều chỉnh hợp lý nhằm nâng cao khả năng tiết kiệm điện năng. Kỹ sư Đào Văn Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Bia Hà Nội- Hải Dương cho biết: “Công ty đã lắp đặt biến tần cho 2 máy sục khí nước thải, bảo đảm tự động vận hành phù hợp quy mô sản xuất từng thời điểm, hiện đã tiết kiệm điện trên 72.560 kWh/năm”.
Theo ngành công thương, tăng giá điện là chủ trương chung. Bởi vậy, khách hàng sử dụng điện cần cùng chia sẻ để chung tay bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia. Trên quan điểm đó, các doanh nghiệp cần lường trước những tình huống này, chủ động tìm giải pháp san sẻ, tự vượt qua khó khăn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn