Điện gió sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn sau giá FIT, doanh nghiệp nào sẽ nắm bắt cơ hội?
Theo VNDirect, giai đoạn bùng nổ của giá FIT đã kết thúc và khi chính sách mới được ban hành, dù theo bất kỳ cơ chế nào, sẽ hướng đến một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh hơn.
Bản dự thảo mới nhất trong tháng 11 của Bộ Công Thương về Quy hoạch điện 8 đã tiếp thu và điều chỉnh những thông tin quan trọng, trong đó tiếp tục đề cao hơn nữa tầm quan trọng của điện gió với tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2022-2050. Do đó, sẽ tiếp tục có một giai đoạn phát triển nóng của nguồn điện này sau khi giai đoạn chạy đua FIT kết thúc.
Đồng thời ông Tùng cũng đưa ra một số những yếu tố sẽ là chủ đề chính cho giai đoạn phát triển sau giá FIT:
Thứ nhất, cạnh tranh giá và chi phí đầu tư sẽ là chủ đề chính trong các năm tới, giúp tăng tính hiệu quả của thị trường cũng như hấp dẫn được các doanh nghiệp thực sự có năng lực tham gia vào ngành.
Thứ hai, doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có nhiều lợi thế trong việc đàm phán giá, đặc biệt trong bối cảnh thị trường điện bán lẻ đang dần được hình thành.
Thứ ba, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo sẽ có năng lực đấu thầu tốt hơn nhờ khả năng quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí cũng như tiềm lực tiếp cận các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ.
Theo bản dự thảo tháng 11/2022 của Bộ Công thương, bức tranh ngành điện đang dần trở nên rõ ràng hơn. Bản dự thảo tập trung tối đa vào điện gió với mức tăng trưởng kép cao nhất đạt 16% trong 2022-2045; tiếp tục loại bỏ 6.800MW điện than ra khỏi quy hoạch và dự kiến không tiếp tục phát triển điện khí sau 2035 đồng thời phải chuyển dần sang đốt kèm hydrogen. Ngoài ra, bản dự thảo mới đề suất chỉ tiếp tục phát triển 726MW công suất điện mặt trời trang trại đã hoàn thành xây dựng hoặc pháp lý, đồng thời khuyến khích tiếp tục phát triển điện mặt trời áp mái cho nhu cầu tự dùng, không bán lên lưới.
Theo ông Tùng, khi điện gió sẽ chắc chắn là lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2022-2030 nhờ những định hướng vững vàng từ chính phủ, được hỗ trợ bởi chi phí đầu tư giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các yếu tố nêu trên sẽ hướng lợi lớn từ ngành này. Theo đó, một số công ty niêm yết hàng đầu trong ngành, với tham vọng mở rộng danh mục bao gồm: Công ty cổ phần điện Gia Lai (GEG), Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (PC1), Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA) , Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (GEX), Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE)…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn