Điện Biên Đông “đến là mê – về là nhớ”

Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, có địa hình núi non hiểm trở. Với điểm cao nhất là đỉnh Pu Ta Leng (3.096m), Điện Biên Đông được ví như cánh cửa phía Tây Bắc của nước ta với nhiều tiềm năng du lịch.

Khác phố thị với ánh đèn rực rỡ, vùng cao cuốn hút trong khói mờ sương tỏa, thắm sắc hoa xen lẫn là sắc áo thổ cẩm. Điện Biên Đông cũng là một vùng có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với sự giao thoa giữa các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, H’Mông, Dao, Khơ Mú… Những nét văn hóa đặc trưng và lịch sử phong phú, cảnh quan thiên nhiên ấy giúp Điện Biên Đông trở thành một điểm đến hấp dẫn. Điện Biên Đông còn có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị cho du khách, từ khám phá văn hóa các dân tộc địa phương đến tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, tạo nên một trải nghiệm du lịch đầy màu sắc và đa dạng.

Điện Biên Đông “đến là mê – về là nhớ”

Từ TP. Điện Biên Phủ đi theo quốc lộ 12 kéo dài khoảng 30km, du khách sẽ đến điểm dừng chân đầu tiên trên bản đồ du lịch Điện Biên Đông –chợ phiên Keo Lôm (xã Keo Lôm). Chợ được xây dựng theo đúng chuẩn chợ phiên truyền thống của dân tộc Mông, họp vào ngày thứ 7 hàng tuần. Ở đây, du khách được trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông; mua sắm sản vật địa phương, các sản phẩm OCOP; thưởng thức những bài dân ca, điệu múa khèn Mông đặc trưng.

Điện Biên Đông “đến là mê – về là nhớ”

Một trong những “điểm phải đến” ở Điện Biên Đông là Hồ Noong U. Hồ được ví như “thiếu nữ ngủ quên” và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Đến đây, du khách nhất định phải khám phá hồ Noong U. Hồ có vẻ đẹp nên thơ, trữ tình được ví như “thiếu nữ ngủ trong rừng” đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách vào những dịp cuối tuần. Hồ có diện tích rộng khoảng 4ha, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển; khí hậu trong lành, mát mẻ, phù hợp với những ai muốn rời xa không khí ồn ào của thành phố, tìm nơi bình yên để nghỉ dưỡng. Những năm gần đây, người dân các bản sống lân cận hồ đã đầu tư, mở dịch vụ và tăng cường giới thiệu quảng bá để thu hút khách du lịch.

Điện Biên Đông “đến là mê – về là nhớ”

Có câu rằng, đến Điện Biên lại phải qua Điện Biên Đông thăm thượng nguồn sông Mã, xã Mường Luân – mảnh đất yên bình bên dòng sông Mã. Nổi bật nhất ở đây là Tháp Mường Luân. Tháp Mường Luân cổ kính bên bờ sông Mã là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Lào nơi đây, cũng là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo thu hút du khách để nhớ về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Hình dáng của tháp cùng những nét hoa văn trang trí trên tháp độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Khu tháp cổ Mường Luân là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tổ chức lễ hội trong dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng trên địa bàn. Cùng với việc tham quan tháp cổ, du khách được khám phá nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào. Đặc biệt, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những điệu múa đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mường Luân còn nổi tiếng với mó nước khoáng và mó nước nóng được thiên nhiên ban tặng. Nước khoáng vừa có thể sử dụng như một đồ uống giải khát, vừa có thể sử dụng để tắm trị một số bệnh ngoài da, giúp da sáng và sạch hơn. Ngoài ra, Mường Luân có tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ thủy điện trên sông Mã. Theo thống kê của UBND xã Mường Luân, năm 2022 du lịch lòng hồ thủy điện đã thu hút trên 4.000 lượt người đến tham quan, khám phá.

Điện Biên Đông “đến là mê – về là nhớ”

Với những người đang tìm kiếm cho mình những địa điểm gần gũi với thiên nhiên và muốn rèn luyện sức khỏe, đỉnh săn mây Chóp Ly cũng là sự lựa chọn tuyệt vời. Tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh, hồ thủy điện sông Mã… cũng là những điểm đến rất giàu tiềm năng để huyện Điện Biên Đông khai thác, phát triển du lịch.

Điện Biên Đông còn có hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. Trong đó phải kể đến Khu di tích căn cứ cách mạng Vừ Pa Chay (xã Pu Nhi). Đây là nơi nghĩa quân của thủ lĩnh Vừ Pa Chay chiến đấu chống lại ách thống trị của thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX; Di tích cách mạng hang Mường Tỉnh tại xã Sa Dung – là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là cơ sở cách mạng, nơi thành lập Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Lai Châu cũ, nay là Đảng bộ tỉnh Điện Biên…

Điện Biên Đông “đến là mê – về là nhớ”

Không chỉ vậy, với bề dày văn hóa lâu đời, từ ẩm thực, trang phục, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Lào nơi đây có thể trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút khách yêu thích du lịch cộng đồng tới khám phá và trải nghiệm. Vừa qua, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng thị xã Mường Lay cũng chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Du lịch Điện Biên Đông là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh du lịch tổng thể của tỉnh Điện Biên. Chính vì vậy, việc “đánh thức” tiềm năng thành sản phẩm du lịch được xác định là mục tiêu quan trọng của huyện Điện Biên Đông. Những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức rà soát, đánh giá về thực trạng du lịch của huyện Điện Biên Đông, lên phương án xây dựng tuyến du lịch TP. Điện Biên Phủ – Điện Biên Đông kết nối với huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Hiện nay, Điện Biên Đông đã và đang xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể để phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch địa phương để thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với huyện, từng bước biến tiềm năng thành những sản phẩm du lịch cụ thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Điện Biên Đông “đến là mê – về là nhớ”

Huyện Điện Biên Đông cũng đã đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn đặc trưng của huyện… Xác định những giá trị văn hóa để phát triển du lịch bền vững, huyện cũng tập trung thực hiện phục dựng, đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các lễ hội truyền thống dân tộc trên địa bàn. Điển hình như: Lễ hội xuân Điện Biên Đông; công bố và chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về tập quán xã hội, tín ngưỡng lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun (xã Chiềng Sơ). Kết hợp với văn hóa, du lịch trên lòng hồ Thủy điện Sông Mã 3 là dịch vụ mới được người dân xã Mường Luân khai thác gần đây. Từ khi nhà máy thủy điện đóng đập tích nước đã tạo nên một vùng lòng hồ rộng lớn, nước trong xanh in bóng những dãy núi đá dựng đứng tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Hồ Thủy điện Sông Mã 3 đã thu hút nhiều lượt người đến tham quan, trải nghiệm. Theo thống kê của UBND xã Mường Luân, năm 2022 hồ Sông Mã 3 đã đón trên 4.000 lượt người đến tham quan, khám phá.

TGA

Bài Viết Liên Quan

Back to top button