ĐIỆN ÁP MÁI – CẤP THIẾT ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP
Điện mặt trời mái nhà là một lĩnh vực rất có lợi cho chủ đầu tư, cho doanh nghiệp, người dân cũng như cả hệ thống điện. Vì vậy, cần cơ chế phù hợp nhằm khơi thông thủ tục khuyến khích sử dụng năng lượng xanh rộng khắp tới các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.
Đó là một trong những nội dung chính trong Tọa đàm: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ngày 17/5/2023, tại hà Nội.
Động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải
Tọa đàm tập trung thảo luận về bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Tọa đàm cũng đề xuất phương án tháo gỡ, tổng hợp những góp ý đề xuất từ phía Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải.
Cụ thể, Quy hoạch điện VIII được ban hành mới đây, cũng đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển. Tuy nhiên hiện tại, vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp.
Điều phối viên thảo luận, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, Tọa đàm được diễn ra ngay sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Điện áp mái là vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp
Tại phiên Tọa đàm, các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị giải pháp để đảm bảo tính bền vững của Năng lượng xanh cho doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho biết, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.
Các nguồn điện linh hoạt trong hệ thống điện (thủy điện, tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí đốt) hiện chiếm trên 40% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống, nên sự thay đổi của các nguồn điện mặt trời và điện gió chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn vận hành trong hệ thống. Khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện. Vì vậy, các giải pháp chủ yếu gồm nâng cao độ chính xác của công tác dự báo thời tiết để giảm sự không chắc chắn của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi.
Phát triển các nguồn điện linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi: Thủy điện, thủy điện tích năng, TBK đơn, các nguồn điện nhỏ đấu nối với lưới điện phân phối sử dụng dầu. Thực hiện liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải. Phân cấp cho các đơn vị điện lực tại các địa phương quản lý vận hành các nguồn điện đấu nối với lưới điện phân phối, thực hiện tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán.
Về phía các doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, ngành Dệt may hiện nay có khoảng gần 3 triệu lao động, trong quý I/2023 các nhà máy xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD.
Ngành Dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sự tiêu thụ lớn… Ông Giang nhận định: Đã là doanh nghiệp thì dù ở ngành nào, lĩnh vực nào của Việt Nam thì tốt nhất nên tuân thủ các chuẩn mực mà Thủ tướng đã ký tại COP 26, cùng với đó là các chuẩn mực quốc tế mà thế giới đã đề ra.
Để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, thì cần có các cơ chế cụ thể để thu hút việc đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp. Còn các nhà phát triển điện mái, điện mặt trời, cần tính đến phương án xử lý nhanh khi lắp đặt, sử dụng… khi bước vào luật chơi toàn cầu, với các yếu tố đã đề ra thì phát triển xanh là yếu tố then chốt để đem đến sự phát triển bền vững.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cũng công nhận, điện áp mái là vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề này không chỉ nằm trong lộ trình mà Chính phủ cam kết, cũng như yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, mà còn liên quan đến vấn đề chi phí. Ngoài ra, thực hiện được các tiêu chí này chúng ta sẽ được các điểm cộng, đặc biệt là nhiều điểm cộng hơn trong thương mại với các nước.
Vì vậy, các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương cần nhanh chóng hỗ trợ về cơ chế để doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược. Hai là, Chính phủ sớm có cơ chế mới về lắp đặt điện mặt trời áp mái để các công ty chuyên về lĩnh vực này có thể áp dụng và giúp các doanh nghiệp ngành chúng tôi lắp đặt đầu tư.
Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn EVN Trần Thanh Bình nhận định, điện mặt trời mái nhà là một lĩnh vực rất có lợi cho chủ đầu tư, cho doanh nghiệp, người dân cũng như cả hệ thống điện. Đặc điểm của nó là nguồn phân tán sản xuất điện tại chỗ, không tốn nhiều chi phí truyền tải. Ngoài ra nó còn giúp tận dụng nguồn lực xã hội hóa. “Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta gặp nhiều vấn đề như đã có nhiều ý kiến. Do đây là một lĩnh vực mới mà trong ngắn hạn chúng ta đã đưa ra rất nhanh, trong đó có cơ chế khuyến khích bằng giá cố định, nên đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư chỉ nghĩ đơn giản là họ có sẵn mái nhà, họ mua pin lắp lên nhưng không nghĩ đến vấn đề PCCC, môi trường, hay thủ tục, giấy phép hoạt động điện lực… Chính vì việc không nắm hết các quy định quản lý nên đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, như vi phạm đất đai, PCCC, an toàn công trình xây dựng… Bên cạnh đó, phải nói rằng đâu đó một số cơ chế tiêu chuẩn liên quan chúng ta chưa kịp xây dựng, ban hành cụ thể nên dẫn tới chồng chéo, khiến một số chủ đầu tư không hiểu hết và không tuân thủ. Câu hỏi đặt ra là sắp tới làm thế nào để đảm bảo hiệu quả đó, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư vừa qua đang vướng mắc. Ví dụ như về 4 vấn đề: PCCC, an toàn công trình xây dựng, môi trường, đất đai. Đây là 4 vấn đề mà có nhiều trường hợp chưa được giải quyết.” – ông Bình chia sẻ.
Tú Năm